|
Văn phòng Thủ tướng Brunei ở Thủ đô Bandar Seri Begawan - nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN.
Ảnh: Reuters. |
Tại Hội nghị thượng đỉnh 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra ở Brunei trong 2 ngày bắt đầu từ hôm 24-4, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á sẽ tập trung củng cố mối quan hệ nội khối, phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau tìm kiếm cách thức xử lý các vấn đề có liên quan đến cuộc tranh chấp giữa một số nước thành viên với Trung Quốc trên Biển Đông.
Trước thềm hội nghị, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã nhấn mạnh rằng ASEAN cần phải đề ra một mặt trận thống nhất trên khu vực Biển Đông, bởi như ông nói: “ASEAN chỉ có thể phát triển nếu chúng ta mạnh mẽ... Vì vậy, chúng ta cần phải có quan điểm thống nhất”. Mặc dù không công bố chi tiết, nhưng ông Natalegawa đầu tháng này cũng tiết lộ ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc họp đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ thiết lập một quy tắc ứng xử.
Ngoài ra, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Anh Reuters, ông Natalegawa cho biết hội nghị thượng đỉnh lần này tập trung “đảm bảo mọi thứ không phát triển theo hướng thụt lùi”. Sở dĩ như vậy bởi tình trạng căng thẳng trong phương thức giải quyết với Trung Quốc đã phủ bóng xuống hội nghị cấp cao của ASEAN hồi năm ngoái tại Phnom Penh mà đỉnh điểm là lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN, hội nghị ngoại trưởng đã kết thúc mà không đưa ra được một tuyên bố chung.
Về phía Philippines, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này Raul Hernandez hồi tuần trước cho biết, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tại hội nghị sẽ thúc đẩy để “sớm kết thúc” một thỏa thuận về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý với Trung Quốc. Giới ngoại giao cũng hy vọng, các nhà lãnh đạo có thể gạt sang một bên những bất đồng từng dẫn đến căng thẳng thời gian gần đây và mở đường để Trung Quốc tham gia một đề xuất về cơ chế quản lý tranh chấp.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng rất khó đạt được thỏa thuận trong năm nay khi Bắc Kinh tiếp tục trì hoãn và yêu cầu đàm phán trực tiếp với từng quốc gia chứ không phải khối ASEAN. “Mọi người đừng nên đặt quá nhiều hy vọng cho bất kỳ bước đột phá nào về một quy tắc ứng xử tại cuộc họp sắp tới”- nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore Ian Storey nói với hãng tin Pháp AFP. “Lập trường của Trung Quốc cho thấy nước này vẫn chưa sẵn sàng tham gia đàm phán với ASEAN về Biển Đông
Do đó, nếu Trung Quốc đã không muốn tiến một bước, dĩ nhiên bộ quy tắc ứng xử vẫn giậm chân tại chỗ”.
Mặc dù vậy, Brunei cho biết một trong những ưu tiên hàng đầu của nước này khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay là tiến hành xem xét một bộ quy tắc ứng xử trên biển có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý giữa ASEAN và Trung Quốc đến cuối năm 2013, sau hơn 10 năm được đề xuất.
Biển Đông có tầm quan trọng to lớn trong khu vực và trên thế giới với nhiều bể trầm tích có trữ lượng dầu khí lớn, đồng thời cũng tập trung một số tuyến hàng hải chiến lược. Theo tuyên bố của Trung Quốc, nước này sẽ thực hiện khoảng 40 cuộc tập trận trên Biển Đông trong năm nay. Hồi tháng trước, chính quyền Bắc Kinh tiếp tục “khuấy động” khu vực khi điều 4 tàu chiến đến bãi đá James Shoal mà nước này ngang nghiên tuyên bố là “cực Nam của Trung Quốc”, trong khi James Shoal gần Brunei và chỉ cách bờ biển của Malaysia 80 km.
Ngoại trưởng Natalegawa từng lên tiếng cáo buộc Trung Quốc “coi thường” các cam kết trong đó có thỏa thuận yêu cầu thực hiện “sự kiềm chế tối đa”. “Bạn có thể thấy một số hành động đơn phương mà Trung Quốc thực hiện rõ ràng không phù hợp với tinh thần của Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC)”- ông nói tại Thủ đô Jakarta. Theo Giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Úc Carl Thayer, “nó giống như một cái bồn tắm và ngày càng có nhiều nước đang đổ tàu của mình vào trong đó”. Ông cho rằng, việc các bên “đụng mặt nhau” chỉ còn vấn đề thời gian mà thôi.
VI VI (Theo Reuters, AFP)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22
Chiều 24-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam đã đến Bandar Seri Begawan, thủ đô của Vương quốc Brunei để tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 22 với chủ đề “Người dân của chúng ta, Tương lai của chúng ta”.
Tại hội nghị cấp cao lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Lãnh đạo các nước ASEAN sẽ trao đổi về những trọng tâm ưu tiên của ASEAN trong năm 2013, chỉ đạo các biện pháp thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN và định hướng tương lai của Hiệp hội, cũng như mở rộng quan hệ đối ngoại và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Song song đó, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng sẽ thảo luận các vấn đề cùng quan tâm, đặc biệt là việc bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực và về vấn đề Biển Đông, cũng như về hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các thách thức an ninh phi truyền thống khác.
(TTXVN) |