 |
Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Ngoại giao APEC ngày 19-11. Ảnh: AFP |
Hôm nay 21-11, hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 16 khai mạc tại Thủ đô Lima của Peru. Với chủ đề “Một cam kết mới cho phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, trong 2 ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực sẽ tập trung thảo luận các vấn đề khủng hoảng tài chính, và sự ủng hộ của APEC đối với vòng đàm phán mậu dịch toàn cầu (Doha) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngoài ra, hội nghị còn đề cập đến việc cải cách cơ chế APEC, thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do song phương - khu vực, chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch...
Hội nghị APEC diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) họp ở Washington bàn về biện pháp đối phó khủng hoảng tài chính. Tổng thống Mỹ George Bush xem đây là cơ hội để tranh thủ sự ủng hộ đối với kế hoạch ngăn chặn kinh tế thế giới suy thoái, mà trọng tâm là các nước “bơm” tiền kích thích kinh tế và điều chỉnh các quy định trên thị trường tiền tệ.
Tại cuộc họp cấp Bộ trưởng Tài chính hồi tháng 8, APEC cũng thừa nhận rằng cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp ở Mỹ là mối đe dọa hoạt động kinh tế toàn cầu. Các bộ trưởng tuyên bố sẽ phản ứng nhanh chóng, quyết đoán và có trách nhiệm trước bất cứ tác động nào đối với nền kinh tế của họ. Chẳng hạn như Trung Quốc, một trong những thành viên lớn của APEC, vừa đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỉ USD. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nên tốt nhất là cải tổ cơ cấu các nền kinh tế APEC. Điều này có thể giúp các nước APEC phản ứng hiệu quả trước cuộc khủng hoảng tài chính và duy trì tăng trưởng trong bối cảnh suy thoái toàn cầu.
Một số quốc gia nhỏ phụ thuộc vào xuất khẩu đang lo ngại rằng đối mặt với nguy cơ suy thoái, các nền kinh tế lớn sẽ chuyển hướng sang tiêu dùng nội địa. Do vậy, họ muốn APEC có hành động mạnh hơn G20 trong việc ngăn chặn các nước dựng lên các rào cản thương mại. Đây cũng là mong muốn của APEC, thể hiện qua nỗ lực thúc đẩy việc nối lại tiến trình đàm phán Doha, vốn rơi vào bế tắc do bất đồng về vấn đề buôn bán nông sản.
Tuy nhiên, thực tế là vòng đàm phán Doha khó đi “đến đích” sau 7 năm khởi động. Do đó, các nhà lãnh đạo APEC đang thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế khu vực theo hình thức Khu mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP). Sẽ mất nhiều năm đàm phán và có thể không là ưu tiên của Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama, nhưng FTAAP có thể đạt được dễ hơn Doha vì không có sự tham gia của Ấn Độ, Brazil và Liên minh châu Âu (EU), vốn là những đối tác thường bất đồng gay gắt về các vấn đề nông nghiệp.
N.MINH (Theo AFP, AP, THX, Reuters)
Với 2,7 tỉ người (41% dân số thế giới), APEC đóng góp gần 60% sản lượng kinh tế toàn cầu và chiếm gần 50% kim ngạch thương mại thế giới. Kể từ khi thành lập năm 1989 đến nay, tổng sản phẩm quốc gia (GDP) trên đầu người ở các nền kinh tế APEC tăng khoảng 26%, so với bình quân 8% ở các nước ngoài APEC. |