15/06/2021 - 18:00

Anh lo ngại biến thể Delta 

Thủ tướng Boris Johnson thông báo hoãn kế hoạch nới lỏng phong tỏa chống đại dịch COVID-19 tại Anh thêm 4 tuần, trong bối cảnh biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Ðộ đang đe dọa nước này.

Thủ tướng Anh Johnson thông báo hoãn kế hoạch nới lỏng phong tỏa hôm 14-6. Ảnh: BBC

Cần thời gian đẩy nhanh tiêm chủng vaccine

Theo giai đoạn cuối cùng của kế hoạch do Thủ tướng Johnson vạch ra hồi tháng 2, hầu hết những biện pháp hạn chế tại Anh dự kiến được gỡ bỏ vào ngày 21-6, tức các quán rượu, nhà hàng, hộp đêm và những địa điểm công cộng khác có thể mở cửa trở lại hoàn toàn. Tuy nhiên, bước đi này đã được đẩy lùi đến ngày 19-7 tới. Hiện tại, Anh không cho phép tập trung quá 6 người ở trong nhà và 30 người ngoài trời.

Phát biểu hôm 14-6, Thủ tướng Johnson cho biết việc tiếp tục thực hiện giai đoạn 4 của lộ trình nới lỏng phong tỏa đồng nghĩa nguy cơ SARS-CoV-2 có khả năng vô hiệu hóa vaccine, dẫn đến hàng ngàn ca tử vong có thể tránh được. Theo đó, Chính phủ Anh sẽ tận dụng việc trì hoãn 4 tuần để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng trong nước (một trong những chương trình chủng ngừa tiến bộ nhất trên thế giới) bằng cách rút ngắn thời gian khuyến cáo giữa các liều vaccine COVID-19 cho nhóm người trên 40 tuổi từ 12 tuần xuống còn 8 tuần. Hiện khoảng 80% người trưởng thành tại xứ sở sương mù đã được tiêm ít nhất một liều, nhưng chỉ có 57% nhận đủ hai mũi tiêm.

Quyết định trì hoãn được đưa ra trong bối cảnh Anh ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 đang tăng trở lại do sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây lan. Theo dữ liệu mới, Anh đã ghi nhận 42.323 ca nhiễm biến thể Delta, tăng 240% so với tuần trước. Trong khi đó, tỷ lệ lây nhiễm tại nước này đang ở mức cao nhất kể từ tháng 1-2021. Giới chức y tế tin rằng biến thể Delta có khả năng lây truyền cao hơn 60% so với chủng Alpha được phát hiện lần đầu ở Anh. Ðiều này khiến các nhà khoa học cảnh báo biến thể Delta có thể gây ra làn sóng lây nhiễm lần thứ 3 tại Anh. Ở Anh, tỷ lệ nhiễm biến chủng này chiếm hơn 90% số ca mắc mới. Nghiên cứu tại Scotland công bố ngày 14-6 cũng chỉ ra rằng biến chủng Delta có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện ở những bệnh nhân COVID-19 so với các biến chủng khác.

Ðến nay, biến chủng Delta đã xuất hiện ở 74 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, các nước châu Phi, bán đảo Scandinavia và khu vực Thái Bình Dương. Cựu lãnh đạo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ Scott Gottlieb cho biết các ca nhiễm biến thể Delta ở Mỹ đang tăng gấp đôi khoảng hai tuần một lần và chiếm khoảng 10% số ca mới. Ashish Jha, hiệu trưởng trường y tế cộng đồng thuộc Ðại học Brown (Mỹ), tuần rồi đã gọi Delta là “biến chủng dễ lây lan nhất mà chúng tôi từng thấy cho đến nay”. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Delta là biến thể đáng quan tâm hồi tháng 4 vừa qua và nâng cấp thành biến thể đáng lo ngại vào ngày 11-5.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo hôm 14-6,  lãnh đạo WHO cảnh báo COVID-19 đang lây lan nhanh hơn tốc độ phân phối vaccine trên toàn cầu, chủ yếu do các biến chủng mới như Alpha và Delta. WHO và giới chuyên gia quốc tế cho rằng cam kết của Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chia sẻ 1 tỉ liều cho các nước nghèo hơn là quá ít và quá muộn. WHO muốn ít nhất 70% dân số thế giới được tiêm vaccine trước hội nghị thượng nghị G7 lần tới diễn ra vào năm 2022. Ðể đạt mục tiêu này, thế giới cần tới hơn 11 tỉ liều vaccine. Theo Cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward, châu Phi sẽ được ưu tiên trong quá trình phân phối 870 triệu liều vaccine của G7 quyên tặng.

Các quốc gia châu Phi đang ghi nhận tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn so với các nước khác. Tỷ lệ này đặc biệt đáng lo ngại vì các quốc gia châu Phi báo cáo ít ca nhiễm hơn so với hầu hết khu vực khác. Châu Phi cũng ít có khả năng tiếp cận vaccine, chẩn đoán và nguồn cung cấp ô-xy nhất so với phần còn lại của thế giới, nhấn mạnh những tác động của bất bình đẳng y tế mà quan chức y tế toàn cầu đã cảnh báo. Mới chỉ có 2,8% dân số châu Phi được tiêm vaccine COVID-19, so với tỷ lệ trung bình toàn cầu là 14,5%.

Nhật Bản  cấp 1 triệu liều vaccine cho Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 15-6, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi thông báo nước này sẽ cung cấp trực tiếp và miễn phí 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 sản xuất trong nước theo giấy phép của hãng AstraZeneca (Anh) cho Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Tokyo, Bộ trưởng Motegi cho biết Nhật Bản đã nhận được lời đề nghị hỗ trợ vaccine từ nhiều quốc gia và khu vực. Theo ông Motegi, Nhật Bản đưa ra quyết định cấp vaccine ngừa COVID-19 cho Việt Nam dựa trên cơ sở xem xét toàn diện tình hình dịch bệnh ở Việt Nam, sự thiết hụt về vaccine và quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản. Bộ trưởng Motegi cho biết lô vaccine phòng COVID-19 trên sẽ được chuyển từ Nhật Bản tới Việt Nam trong ngày 16-6.

Cũng tại cuộc họp báo, lý giải về việc Nhật Bản cung cấp trực tiếp vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam, vùng lãnh thổ Ðài Loan và một số quốc gia khác mà không thông qua cơ chế chia sẻ vaccine quốc tế COVAX, Bộ trưởng Motegi cho biết nếu Nhật Bản cấp vaccine cho các quốc gia/vùng lãnh thổ này thông qua COVAX, thủ tục phê duyệt có thể rất mất thời gian, trong khi các quốc gia/vùng lãnh thổ này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vaccine nghiêm trọng.

Trước đó, ngày 2-6, Thủ tướng Suga Yoshihide đã thông báo Nhật Bản sẽ cung cấp 30 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho các nước khác. Ngoài việc cung cấp vaccine, Nhật Bản còn có kế hoạch giúp các nước đang phát triển xây dựng các dây chuyền bảo quản lạnh, cho phép vận chuyển và bảo quản vaccine ở nhiệt độ thấp.

Chile tiêm kết hợp 2 mũi vaccine của AstraZeneca và Pfizer

Ngày 14-6, Bộ Y tế Chile thông báo những đối tượng nam giới dưới 45 tuổi đã được tiêm mũi 1 vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca sẽ được tiêm mũi thứ hai bằng vaccine của Pfizer.
Theo Bộ trưởng Y tế Paula Daza, kết quả một nghiên cứu do CombiVacs (Tây Ban Nha) tiến hành cho thấy việc kết hợp 2 loại vaccine này đem lại hiệu quả trong phòng ngừa COVID-19.

 

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, CNBC)

Chia sẻ bài viết