Từ cuối năm nay, Vương quốc Anh sẽ triển khai hai tàu chiến hoạt động thường trực trên vùng biển châu Á.
Kế hoạch được Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace xác nhận trong tuyên bố chung sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi hôm 20-7. Theo phát ngôn viên đại sứ quán Anh tại Tokyo, nước này không có kế hoạch bố trí các tàu hiện diện thường trực tại căn cứ hải quân nào. Việc triển khai được xác định diễn ra ngay sau chuyến thăm của tàu sân bay HMS Queen Elizabbeth (ảnh) tới Nhật Bản vào tháng 9.

Ảnh: Getty Images
Nước Anh toàn cầu
Theo giới quan sát, hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth được coi là biểu tượng của chính sách đối ngoại hướng trọng tâm về khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương trong tầm nhìn chiến lược “Nước Anh toàn cầu” sau khi Luân Ðôn rời Liên minh châu Âu. Và trong hải trình đầu tiên đến Ðịa Trung Hải cùng Tây Thái Bình Dương, nhóm tác chiến tàu sân bay Hải quân Hoàng gia Anh dự kiến đi qua Biển Ðông cùng những hải phận mà Trung Quốc đang tranh chấp với Nhật Bản và cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ. HMS Queen Elizabeth được hộ tống bởi hai khu trục hạm, hai khinh hạm, hai tàu hỗ trợ và tàu chiến của Mỹ cùng Hà Lan cũng ghé thăm Ấn Ðộ, Singapore, Hàn Quốc. Trong tháng 8, HMS Queen Elizabeth dự kiến tham gia các cuộc tập trận với Úc, Pháp, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Mỹ ở Biển Philippines. Khi đến Nhật, nhóm tàu của Anh sẽ tách ra ở các căn cứ hải quân dọc theo bờ biển nước này. Riêng HMS Queen Elizabeth sẽ cập cảng Yokosuka, nơi đồn trú của Bộ Chỉ huy Hạm đội Nhật Bản và tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan.
Chuyến viếng thăm của HMS Queen Elizabeth và kế hoạch triển khai tàu chiến thường trực được công bố giữa lúc Anh đang thắt chặt quan hệ an ninh cùng Nhật Bản. Trùng hợp là Tokyo, bên cạnh đồng minh chính Washington, cũng đang tìm cách mở rộng hợp tác quốc phòng với những quốc gia cùng chia sẻ các giá trị dân chủ trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Tây Thái Bình Dương. Gần đây, giới chức Nhật đã liên tục cảnh báo về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực. Ðầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallce cảnh báo phương Tây phải làm mọi cách để tránh nguy cơ Chiến tranh Lạnh ở châu Á. Vị này còn nói rõ Luân Ðôn không chùn bước và có nghĩa vụ thực thi quyền tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế thông qua hải trình của HMS Queen Elizabeth, bất chấp các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trong khu vực. “Chúng tôi tôn trọng Trung Quốc và hy vọng họ cũng vậy. Chúng tôi cam kết làm việc với các đối tác khu vực để bảo vệ giá trị dân chủ, giải quyết những mối đe dọa chung và duy trì an ninh quốc gia”.
Bắt tay với Nhật
Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Kishi, ông Wallace nhấn mạnh nhiệm vụ của hai quốc gia cùng chí hướng là bảo vệ những nước không có khả năng phòng vệ trước các nguy cơ khu vực. Trong tín hiệu cho thấy sự tham gia ngày càng tăng của Anh, Bộ trưởng Wallace cho biết chính quyền Thủ tướng Boris Johnson quyết định triển khai Nhóm ứng phó Littoral, đơn vị lính thủy đánh bộ được đào tạo thực hiện các nhiệm vụ sơ tán và chống khủng bố. Ðáp lại, Bộ trưởng Kishi hoan nghênh đóng góp của Anh đối với Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương và khẳng định tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng hai bên giúp đảm bảo hòa bình, ổn định khu vực cũng như toàn cầu.
Thông qua cuộc gặp, giới chức quốc phòng Anh - Nhật còn thảo luận khả năng phối hợp trong hoạt động tập trận. Ðầu tháng này, Nhật Bản đã điều máy bay trinh sát P-3C và tàu khu trục Setogiri tham gia cùng nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth diễn tập chống cướp biển ở Vịnh Aden. Sắp tới, hai bên còn hợp tác phát triển động cơ cho máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Trung Quốc lên clip dọa ném bom Nhật Bản
Trên mạng xã hội đang lan truyền một đoạn video từ Trung Quốc, trong đó chỉ ra Nhật Bản là “một ngoại lệ” trong chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh chống lại các cường quốc phi hạt nhân. Theo nội dung video, Trung Quốc đe dọa về một cuộc tấn công toàn diện nếu Nhật can thiệp tiến trình tái thống nhất Ðài Loan và sử dụng bom hạt nhân liên tục cho đến khi Tokyo lần thứ hai tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Theo tìm hiểu của Hãng tin Fox News, đoạn video ban đầu phát trên nền tảng được Trung Quốc phê duyệt và nhanh chóng thu hút hàng triệu lượt xem.
MAI QUYÊN (Theo Reuters, Mainichi)