Ấn Ðộ lâu nay là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, khi phụ thuộc vào các quốc gia khác để có xe tăng, tàu chiến và máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, New Delhi đang đầu tư mạnh vào công nghiệp quốc phòng nội địa với mục tiêu trang bị vũ khí cho quân đội trong nước và tăng doanh số xuất khẩu vũ khí.

Bệ phóng tên lửa Pinaka của Ấn Độ trong một lần khai hỏa. Ảnh: ANI
Ấn Ðộ đang đạt nhiều tiến bộ đối với mục tiêu trên nhờ sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Ðộ, Sản xuất cho thế giới” được công bố năm 2020 và xây dựng quan hệ quốc phòng với các nước khác. Mong muốn của Ấn Ðộ thoát khỏi phụ thuộc đáng kể vào vũ khí nhập khẩu đã trở nên rõ ràng hơn sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine năm ngoái. New Delhi vẫn duy trì quan hệ thân mật với Mát-xcơ-va nhưng cuộc chiến đã khiến Nga trở thành nhà cung cấp “ít tin cậy” hơn.
Vào tháng 9-2022, Ấn Ðộ đã đồng ý bán bệ phóng tên lửa Pinaka cho Armenia, đơn hàng xuất khẩu Pinaka đầu tiên, cùng với các tên lửa chống tăng và đạn dược đủ loại trong thỏa thuận trị giá 260 triệu USD. Thương vụ này diễn ra 2 năm sau khi Armenia mua 4 hệ thống radar định vị vũ khí Swati trị giá 40 triệu USD, chọn vũ khí Ấn Ðộ thay vì các hệ thống của Ba Lan và Nga. Ðây được xem là thành tựu lớn đối chương trình “Sản xuất tại Ấn Ðộ” còn non trẻ khi đó.
❝Ấn Ðộ xếp thứ 23 thế giới về xuất khẩu vũ khí giai đoạn 2011-2017. Nước này đặt mục tiêu tăng xuất khẩu quốc phòng từ mức 1,5 tỉ USD hiện nay lên 5 tỉ USD vào năm 2025. |
Tham vọng tìm chỗ đứng trên các thị trường vũ khí Trung Ðông và châu Phi của Ấn Ðộ chắc chắn cũng sẽ nhận được cú hích từ các thương vụ vũ khí “khủng” với Ai Cập. Trong thập niên qua, Ai Cập đã chi đậm cho các hệ thống vũ khí cao cấp, chủ yếu mua từ Pháp và Nga. Giai đoạn 2015-2019, Ai Cập đã trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới. Hiện nay, Ấn Ðộ đang cải thiện quan hệ với quốc gia Bắc Phi này, thể hiện qua các cuộc trao đổi quân sự mở rộng giữa hai nước.
Hồi tháng rồi, Không quân và Hải quân Ấn Ðộ lần đầu tham gia cuộc tập trận đa quốc gia “Bright Star-2023” kéo dài 2 tuần do Ai Cập tổ chức. Trong cuộc tập trận, máy bay tiếp dầu Il-78 của Ấn Ðộ đã tiếp nhiên liệu cho các chiến đấu cơ của Ai Cập gồm MiG-29M (do Nga sản xuất) và Rafale (Pháp chế tạo). Chi tiết này nhấn mạnh mức độ tương tác cũng như cho thấy quan hệ quốc phòng giữa các bên ngày càng lớn mạnh. Những mối quan hệ này có thể phát triển thành các thương vụ bán vũ khí, đặc biệt là vũ khí sản xuất trong nước của Ấn Ðộ.
Hiện có thông tin cho rằng New Delhi muốn bán 20 tiêm kích đa nhiệm Tejas cho Cairo và thiết lập các dây chuyền sản xuất máy bay này tại Ai Cập. Ấn Ðộ cũng hy vọng xuất khẩu hệ thống phòng không Akash nội địa và tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos cho nhiều quốc gia.
HẠNH NGUYÊN (Theo Business Insider)