08/02/2020 - 12:14

Ấn Độ tham vọng xuất khẩu vũ khí 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết nước này muốn tăng gấp đôi lượng vũ khí xuất khẩu trong vòng 5 năm tới giữa lúc New Delhi tìm cách cắt giảm lượng vũ khí nhập khẩu do kinh tế trì trệ.

Thủ tướng Modi tại Lễ khai mạc Triển lãm quốc phòng lần thứ 11. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm quốc phòng lần thứ 11 ở thành phố Lucknow, thủ phủ bang Uttar Pradesh, ông Modi nói rằng một quốc gia như Ấn Độ không thể hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. “Trong nhiều năm qua, Ấn Độ là nước nhập siêu các sản phẩm quốc phòng. Do đó, chúng tôi đã đưa ra các biện pháp nhằm thay đổi điều này kể từ năm 2014. Mục tiêu của chúng tôi là đạt 5 tỉ USD trong xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng trong vòng 5 năm tới, gấp đôi so với con số khoảng 2,4 tỉ USD hiện tại” - nhà lãnh đạo Ấn Độ nhấn mạnh.

Theo dữ liệu của Chính phủ Ấn Độ, Ý, Sri Lanka, Nga và Pháp là những khách hàng chính của nước này, chủ yếu nhập tàu ​​tuần tra xa bờ, máy bay trực thăng, hệ thống giám sát bờ biển và phụ tùng cho hệ thống radar. Ấn Độ đang phát triển nhiều trang thiết bị quốc phòng như pháo binh, tàu sân bay, tàu ngầm, chiến đấu cơ loại nhẹ và trực thăng chiến đấu. 

Trong khi đó, Ấn Độ trong giai đoạn 2013-2017 là nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, chiếm 12% tổng lượng vũ khí nhập khẩu toàn cầu. Nga là nước xuất khẩu lớn nhất, chiếm hơn 50% vũ khí nhập khẩu của Ấn Độ. Israel và Mỹ cũng là hai nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Ấn Độ. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba châu Á phải hứng chịu cảnh suy giảm tăng trưởng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, chính quyền Modi phải đặt tham vọng xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng nhằm mang lại nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Được biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ giảm chỉ còn 4,5% trong quý III-2019, mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua, buộc New Delhi phải siết chặt ngân sách dành cho quốc phòng. Theo đó, ngân sách quốc phòng giai đoạn 2020-2021 là 73,65 tỉ USD - số tiền mà giới phân tích cho rằng khó có thể đáp ứng nhu cầu mua mới vũ khí và hiện đại hóa quân sự, bởi New Delhi dự kiến sẽ chi khoảng 90% ngân sách quốc phòng cho các hoạt động được lên kế hoạch. Cụ thể, 18,52 tỉ USD trong số này được dành cho mua vũ khí; 32,7 tỉ USD dùng để bảo trì kho vũ khí, thanh toán lương và các khoản phụ cấp cho quân đội, phát triển cơ sở hạ tầng quân sự cũng như chi cho các khoản chi định kỳ; 21,91 tỉ USD là dành cho chi trả lương hưu nhân viên quốc phòng.

Vài năm trở lại đây, quân đội Ấn Độ thường phàn nàn về việc thiếu ngân sách. Amit Cowshish, cựu cố vấn tài chính của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, nhận định quân đội sẽ có thể tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức với nguồn ngân sách quốc phòng hiện tại, trong bối cảnh nước này dự kiến mua một số vũ khí mới của Mỹ, gồm 22 máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper trị giá 2,6 tỉ USD; 6 máy bay giám sát biển P-8I trị giá 1 tỉ USD; 2 máy bay trinh thám Gulfstream 550 với giá gần 1 tỉ USD; và một hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến trị giá hơn 1 tỉ USD. Ấn Độ cũng đã đặt mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp và hệ thống tên lửa S-400 của Nga. 

Công ty Hindustan Aeronautics (HAL) của Ấn Độ vừa ký bản ghi nhớ với hãng sản xuất vũ khí Elbit Systems của Israel nhằm phát triển UAV quân sự cho các lực lượng vũ trang Ấn Độ. HAL trong một tuyên bố cho biết so với máy bay trực thăng có người lái, số UAV này sẽ giúp cắt giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng.  

TRÍ VĂN (Theo Reuters, Defense News)

Chia sẻ bài viết