05/08/2017 - 11:46

Ấn Độ tăng cường năng lực tàu ngầm đối phó Trung Quốc

Ấn Độ mới đây đã yêu cầu 6 xưởng đóng tàu ở Nga, Pháp, Nhật Bản, Đức cùng với 2 nước khác cung cấp thông tin chính thức về 6 tàu ngầm được trang bị hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập, cho phép các tàu ngầm phi hạt nhân hoạt động mà không cần tiếp xúc với ôxy khí quyển nhằm thay thế các hệ thống điện-diesel. Đây là một phần của Dự án 75I, một chương trình trị giá hơn 12 tỉ USD của New Delhi.

Tàu ngầm tấn công lớp Scorpene INS Kalvari mà Hải quân Ấn Độ chuẩn bị tiếp nhận. Ảnh: Quora

Tàu ngầm tấn công lớp Scorpene INS Kalvari mà Hải quân Ấn Độ chuẩn bị tiếp nhận. Ảnh: Quora

“Ấn Độ đang tìm kiếm một loại tàu ngầm được trang bị ngư lôi điện hạng nặng, hiện đại và có hiệu quả; một loại tên lửa tấn công mặt đất; và thậm chí một tên lửa cao xạ có thể chống lại máy bay trực thăng và mìn của kẻ thù” - Anil Jai Singh, cựu Đô đốc Hải quân Ấn Độ nói với trang tin quốc phòng Defense News.

Chuẩn bị đón tàu ngầm đầu tiên từ Pháp

Theo Defense News, một khi nhận được phản hồi từ các xưởng đóng tàu nói trên, Ấn Độ sẽ đưa ra yêu cầu chính thức, sau đó lọc lại 3 hoặc 4 xưởng đóng tàu. Đây được cho sẽ là một quá trình kéo dài nhiều năm, một phần là do chính sách Đối tác Chiến lược của New Delhi mà theo đó các xưởng đóng tàu nước ngoài sẽ cạnh tranh giành lấy hợp đồng đóng tàu với  các xưởng đóng tàu nội địa.

Một nhà phân tích nói với Defence News rằng khoảng từ 7-8 năm sau khi một thỏa thuận được ký kết, tàu ngầm đầu tiên được đóng theo Dự án 75I mới được hạ thủy.

Trong khi đó, Hải quân Ấn Độ cũng đang chuẩn bị tiếp nhận tàu ngầm tấn công lớp Scorpene mang tên INS Kalvari – một trong những công cụ chiến đấu bí mật và nguy hiểm nhất thế giới.

INS Kalvari là một trong 6 tàu ngầm lớp Scorpene do xưởng đóng tàu Mazagon Dock và nhà thầu quốc phòng Pháp DCNS sản xuất được Ấn Độ đặt mua với tổng số tiền lên tới 236 tỉ rupee (tương đương 3,7 tỉ USD).

Dự kiến, “cá mập hổ” INS Kalvari sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối tháng này. Đây là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Ấn Độ nhằm tái thiết lực lượng chiến đấu dưới nước vốn còn yếu ớt của nước này.

Giám sát hoạt động tàu ngầm Trung Quốc

Các nỗ lực trên của chính quyền New Delhi nằm trong chiến lược đối phó với nước láng giềng Trung Quốc, quốc gia đang mở rộng đội tàu ngầm của mình lên con số 60 chiếc, gấp 4 lần so với Ấn Độ, cũng như tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương – động thái mà các chiến lược gia Ấn Độ xem như là thách thức đối với nền an ninh quốc gia.

Trước khi báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi năm 2015 xác nhận rằng tàu ngầm tấn công và tên lửa của Trung Quốc hoạt động tại Ấn Độ Dương, Ấn Độ từ năm 2013 đã “để mắt” tới các tàu ngầm của Trung Quốc đi vào khu vực này.

Để theo dõi hoạt động hàng hải của Trung Quốc trong khu vực, Ấn Độ đã triển khai các tàu chiến đến gần eo biển Malacca cũng như đưa máy bay do thám và săn ngầm P-8I Poseidon tiên tiến nhất của Mỹ đến Andaman và Nicobar - chuỗi đảo ở phía Tây Bắc eo biển Malacca, nơi Ấn Độ có kế hoạch mở rộng sự hiện diện an ninh của mình.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã đặt mua máy bay không người lái trinh thám của Mỹ, có khả năng kết hợp với P-8I Poseidon để “dòm ngó” tàu ngầm của Trung Quốc. Hiện New Delhi đang thiết lập các trạm radar trên các hòn đảo ở Ấn Độ Dương và cho xây dựng một “bức tường cảm biến” dưới đáy biển tại khu vực giữa miền Nam Ấn Độ và miền Bắc Indonesia.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết