25/05/2024 - 21:28

Ấn Độ đóng tàu sân bay thứ ba 

Ấn Ðộ đang tăng cường “nội địa hóa” khả năng phòng thủ bằng cách lên kế hoạch đóng tàu sân bay thứ ba, qua đó bày tỏ quan ngại về kịch bản xung đột với Pakistan và Trung Quốc trên Ấn Ðộ Dương.

Tàu sân bay INS Vikrant của Hải quân Ấn Độ. Ảnh: Asia Times

Theo tờ Naval News, tàu sân bay thứ ba của Ấn Ðộ được thiết kế dựa trên INS Vikrant - tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Ðộ có lượng giãn nước khoảng 43.000 tấn, có thể đạt tốc độ lên đến 50km/h, tầm hoạt động trên 14.800km và được đưa vào sử dụng vào năm 2022.

INS Vikrant được trang bị 4 bệ phóng pháo cỡ nòng 30mm và 76mm cũng như nhiều bệ phóng tên lửa phòng không; vận hành chiến đấu cơ MiG-29K, trực thăng cảnh báo sớm Ka-31, trực thăng đa chức năng MH-60R do Mỹ phát triển cũng như trực thăng hạng nhẹ do Ấn Ðộ sản xuất.

Naval News cho hay, kế hoạch “nội địa hóa” tàu sân bay thứ ba của Ấn Ðộ bao gồm việc nước này tự sản xuất các thiết bị hãm đà cho máy bay vốn lâu nay do Nga phát triển. Ngoài ra, Ấn Ðộ còn có kế hoạch tự phát triển radar tiếp cận chính xác - hệ thống dẫn đường radar được thiết kế để cung cấp hướng dẫn theo chiều ngang và chiều dọc cho phi công máy bay hạ cánh - trong bối cảnh công nghệ này có thể sẽ phải đối mặt với lệnh cấm nhập khẩu vào năm 2031.

Mặt khác, nhiều bộ phận của chiến đấu cơ MiG-29K hoạt động trên tàu sân bay mới cũng sẽ được sản xuất tại Ấn Ðộ, gồm màn hình đa chức năng, hệ thống thiết bị dự phòng tích hợp, lốp máy bay hay thiết bị hỗ trợ mặt đất. Ðáng chú ý, New Delhi cũng đang nỗ lực để có thể tự túc sửa chữa bộ phận hạ cánh của MiG-29K, thiết bị gây nhiễu tự bảo vệ, hệ thống tạo ôxy và trạm định vị quang học.

Ấn Ðộ còn có kế hoạch mua thêm 6 máy bay tuần tra hàng hải (MPA) tầm xa P-8I Poseidon, trong khi Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Ðộ đang phát triển các MPA tầm trung được lấy cảm hứng từ máy bay vận tải quân sự chiến thuật Airbus C-295.

Tuy nhiên, kế hoạch đóng tàu sân bay thứ ba của Ấn Ðộ có thể phải với mặt với những thách thức tương tự INS Vikrant. Tờ Asia Times hồi tháng 8-2022 đã nêu ra những khó khăn mà Ấn Ðộ gặp phải trong 13 năm đóng INS Vikrant, từ các vấn đề về kỹ thuật, thách thức về kinh phí cho tới tình trạng tham nhũng.

Nhà máy đóng tàu Cochin Shipyard Limited (CSL) của Ấn Ðộ cho biết, tàu sân bay thứ ba có thể được hoàn thành trong vòng 5 năm. Song, kế hoạch đóng con tàu này có thể bị chậm trễ do Bộ Quốc phòng Ấn Ðộ đang tập trung việc thúc đẩy phát triển tàu ngầm vận hành bằng năng lượng hạt nhân. Chưa hết, kế hoạch này có thể làm dấy lên cuộc tranh luận giữa các nhà hoạch định chính sách và các nhà hoạch định quốc phòng về chi phí bỏ ra và hiệu quả mà tàu sân bay thứ ba mang lại. Theo Sarabjeet Parmar, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, các kế hoạch mở rộng hạm đội trước đây của Hải quân Ấn Ðộ đã phải chia thành nhiều giai đoạn do thiếu kinh phí cũng như thiếu cơ sở huấn luyện cho sĩ quan và thủy thủ.

Dẫu vậy, vì sao Ấn Ðộ muốn đóng tàu sân bay thứ ba?. Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh quan hệ giữa Ấn Ðộ với Trung Quốc và Pakistan căng thẳng thì việc đóng thêm tàu sân bay giữ vai trò rất quan trọng, góp phần giúp New Delhi sở hữu quân đội hùng mạnh và toàn diện. Từ lâu, Hải quân Ấn Ðộ theo đuổi chiến lược lấy tàu sân bay làm trung tâm, tập trung vào việc thiết lập quyền kiểm soát trên biển bằng tàu sân bay.

New Delhi với tàu sân bay mới có thể thực hiện chiến lược kiểm soát trên biển đối với Islamabad và chiến lược ngăn chặn trên biển đối với Bắc Kinh.

Thật ra, Ấn Ðộ cần 3 tàu sân bay để đảm bảo an ninh liên tục trên Ấn Ðộ Dương, bởi trong khi 2 chiếc được triển khai thì chiếc còn lại được bảo trì và tái trang bị.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết