09/06/2023 - 18:49

Ai sẽ dẫn đầu cuộc đua không gian? 

MAI QUYÊN (Theo ABC News)

Trung Quốc, đối thủ mới của Mỹ trong cuộc đua vào không gian sau Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, được dự báo có thể chiến thắng trong nhiệm vụ đưa con người lên Mặt trăng lần này.

Trạm vũ trụ Thiên cung củng cố sự hiện diện lâu dài của Trung Quốc trong không gian. Ảnh: CMS

Thành tựu của Bắc Kinh

Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc thể hiện rõ tham vọng của họ, đó là lập căn cứ lâu dài trên Mặt trăng và đưa người lên sao Hỏa. Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, khám phá và phát triển ngành công nghiệp vũ trụ, sau đó tiến tới xây dựng đất nước thành cường quốc không gian là “giấc mơ vĩnh cửu” của Trung Quốc.

Trong đánh giá gần đây, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn công nghệ khai phá không gian SpaceX, Elon Musk cho rằng chương trình không gian của Trung Quốc “tiên tiến hơn nhiều” so với mọi người nghĩ. Vài năm trước, Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson cũng thừa nhận các nhà khoa học Trung Quốc đã góp phần đem lại nhiều thành công cho nỗ lực chinh phục không gian mà Bắc Kinh hướng tới.

Ðược biết, chương trình vũ trụ của Trung Quốc ghi dấu ấn vào năm 2003 khi đưa phi hành gia đầu tiên vào không gian. Kể từ đó, Trung Quốc trở thành một trong những nước du hành vũ trụ tích cực nhất với một số thành tựu nổi bật. Ðiển hình như năm 2019, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên thăm dò “vùng tối” của Mặt trăng. Năm 2021, họ tiếp tục đưa tàu thăm dò Thiên Vấn-1 và robot thám hiểm sao Hỏa tự hành đầu tiên trong nước hạ cánh xuống bề mặt hành tinh đỏ. Vào cuối năm 2022, Bắc Kinh hoàn tất các công đoạn cuối cùng của dự án lắp đặt trạm vũ trụ Thiên Cung. Sau khi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) ngừng hoạt động vào năm 2025, sẽ chỉ còn lại Thiên Cung trong không gian. Ðiều này đồng nghĩa Trung Quốc có thể trở thành quốc gia duy nhất sở hữu trạm không gian có người hoạt động thường xuyên quanh Trái đất.

Bản chất cạnh tranh và cơ hội hợp tác Mỹ - Trung

Theo phi hành gia NASA đã nghỉ hưu và từng chỉ huy ISS Leroy Chiao, Mặt trăng là đích đến trước mắt trong cuộc đua vũ trụ giữa Trung Quốc với Mỹ. Tuy vậy, cuộc đua lần này không giống như cuộc đối đầu sống còn giữa Mỹ và Liên Xô trong những năm 1960, bởi luật vũ trụ quốc tế ngày càng được hoàn thiện. Ðiều đó đồng nghĩa có những giới hạn đối với mong muốn khai phá vũ trụ của Mỹ và Trung Quốc.

Về tiềm năng hợp tác, chuyên gia về luật quản lý công nghệ và thăm dò vũ trụ Bin Li cho rằng cuộc đua vào không gian cũng là chạy đua về kinh tế và chính trị. Trong bối cảnh 2 cường quốc cạnh tranh gần như trên tất cả mặt trận, hợp tác ở lĩnh vực này là điều khó xảy ra khi 2 bên chưa thể gác lại ngờ vực. Nhưng nó không có nghĩa Mỹ và Trung Quốc không thể làm việc cùng nhau trong một số thỏa thuận, chẳng hạn như tránh nguy cơ va chạm giữa các tài sản không gian, giảm thiểu rác thải vũ trụ hay cải thiện khả năng tiếp cận vũ trụ cho mọi quốc gia. Dẫn chứng thêm, Tiến sĩ Li lấy ví dụ quan hệ cẳng thẳng giữa Nga và Mỹ có thể tệ hơn nếu cả 2 không duy trì hợp tác trong các chương trình liên quan ISS. Mối quan hệ tương tự như vậy giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể giảm mức độ đối đầu giữa hai cường quốc.

Chặng đường dài với Trung Quốc

Trong báo cáo thường niên năm 2022, Bộ Quốc phòng Mỹ ghi nhận sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào chương trình không gian, hướng tới vai trò cường quốc vũ trụ. Một báo cáo khác do cơ quan này tài trợ còn kêu gọi Washington “hành động khẩn cấp” trước viễn cảnh Trung Quốc có thể vượt Mỹ với tư cách cường quốc không gian vào năm 2045, nếu không muốn nói là sớm hơn.

Theo cựu phi hành gia Leroy Chiao, có một số phạm vi Trung Quốc đã bắt kịp, thậm chí đi trước Mỹ dựa vào việc họ mượn và cải tiến công nghệ từ Nga. Ðơn cử như việc xây dựng Thiên Cung, cơ sở này không lớn bằng ISS nhưng được đánh giá khá tiên tiến. Trong đó, quy mô vừa phải của trạm giúp Bắc Kinh giảm công việc bảo trì và sửa chữa nhưng vẫn đảm bảo sứ mệnh nghiên cứu và thám hiểm vũ trụ. Sắp tới, Trung Quốc có thể noi theo Mỹ lập Lực lượng Không gian để đảm bảo không bị tụt lại phía sau. Tuy vậy, theo Tiến sĩ Bin Li, Trung Quốc vẫn còn chặng đường dài trước khi bắt kịp hoặc vượt qua Mỹ. Một phần do chi tiêu của nước này cho không gian vẫn còn mờ nhạt so với Washington. Năm ngoái, chi tiêu toàn cầu cho các chương trình không gian đạt kỷ lục 103 tỉ USD, trong đó Mỹ chiếm hơn một nửa với 62 tỉ USD, trong khi con số này của Trung Quốc chỉ 12 tỉ USD.

Chia sẻ bài viết