|
Tổng thống Chavez (giơ tay) cùng các nhà lãnh đạo Nam Mỹ tại lễ kỷ niệm 10 năm cầm quyền.
Ảnh: AP |
Ngày 2-2, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez kỷ niệm 10 năm cầm quyền bằng việc chủ trì hội nghị cấp cao Sáng kiến Bolivar, còn được gọi là ALBA. Đây là sáng kiến do ông và lãnh tụ Cuba Fidel Castro đề xuất vào năm 2004, nhằm thúc đẩy việc thành lập Khu mậu dịch tự do Mỹ La-tinh, làm đối trọng với những nỗ lực thương mại của Mỹ ở khu vực.
Ông Chavez lần đầu tiên bước vào vũ đài chính trị sau cuộc nổi dậy chống chính sách kinh tế tự do mới và đàn áp ở Venezuela, mà đỉnh điểm là năm 1989 khi Tổng thống cánh hữu Carlos Andres Perez lên nắm quyền. Ông Perez đã thực hiện nhiều thay đổi cơ cấu hà khắc theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để nhận khoản vay khổng lồ, rồi cuối cùng đẩy đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế. Phong trào Caracazo chống chính quyền Perez nổi lên, nhưng bị đàn áp tàn bạo. Ông Chavez khi đó là một đại tá trẻ đã từ chối tham gia trấn áp phong trào này. Năm 1992, ông thực hiện một cuộc đảo chính quân sự, nhưng thất bại và ngồi tù đến năm 1994.
Không lâu sau khi được tự do, ông Chavez bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống và nhận được sự ủng hộ của nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, nhất là tầng lớp dân nghèo. Sau khi đắc cử năm 1998, ông nhanh chóng tái quốc hữu hóa các mỏ dầu của Venezuela, nhờ đó chính phủ kiểm soát hoàn toàn ngành dầu khí. Doanh thu từ dầu cũng được phân bổ chủ yếu cho các chương trình phát triển và xã hội, nhằm xóa đói nghèo. Các chiến dịch xóa mù chữ, cải cách ruộng đất, xây dựng trạm y tế, bệnh viện và trường học ở các khu vực nghèo nhất... bắt đầu được thực thi. Chính phủ đã dành 4,2% GDP đầu tư cho y tế và tiếp tục chiến lược này để đảm bảo người dân Venezuela được tiếp cận y tế miễn phí. Theo thống kê, tỷ lệ cực nghèo ở Venezuela đã giảm từ 16,9% xuống còn 7,9% giai đoạn 2000-2007.
Về chính sách đối ngoại, Tổng thống Chavez đã tăng cường quan hệ với những nước có thể làm đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực, trong đó có Nga, Belarus, Iran và Trung Quốc. Với lập trường chống Mỹ, ông Chavez từng bị đảo chính (có sự giật dây của các thế lực bên ngoài) vào tháng 4-2002, nhưng bất thành. Sau vụ đó, tỷ lệ ủng hộ ông càng tăng mạnh và tiếp tục thắng cử năm 2006. Ngày 15-2 tới đây, Venezuela sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc thay đổi hiến pháp, nhằm bãi bỏ những hạn chế nhiệm kỳ đối với tổng thống và tất cả các quan chức dân cử. Khảo sát mới đây cho thấy 51,5% cử tri tán thành, so với 48,1% không đồng ý việc thay đổi này. Nếu được thông qua, Tổng thống Chavez có thể tiếp tục ra tranh cử vào năm 2012 và nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng. Hiện tỷ lệ ủng hộ ông là hơn 57%.
N.MINH
(Theo AFP, Reuters, Guardian)