21/11/2013 - 21:38

TP CẦN THƠ


10 năm - bước khởi đầu chắc chắn cho chặng đường phát triển

TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương từ ngày 1-1-2004, được tách ra từ tỉnh Cần Thơ. Gần 10 năm qua, với nỗ lực của nhân dân và cả hệ thống chính trị, dù còn nhiều khó khăn nhưng TP Cần Thơ đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Chặng đường hình thành và phát triển thời gian qua sẽ là cơ sở, là bài học kinh nghiệm quý báu để Cần Thơ xứng tầm là thành phố trung tâm, là động lực thúc đẩy vùng ĐBSCL phát triển.

Cùng nỗ lực…

Vĩnh Thạnh là huyện ngoại thành của TP Cần Thơ, 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện khá ổn định, tăng bình quân 15 %/năm. Trong đó, khu vực I tăng bình quân 7%; khu vực II là 17,88% và khu vực III 34,77%. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng giảm dần khu vực I, tăng khu vực II và III. Nếu như năm 2004 khu vực I: 77,66%, khu vực II: 9,58%, khu vực III: 12,76%, thì đến nay các chỉ số tương ứng là: 44,15%; 34,89% và 20,96%. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 3 lần so với năm 2004; đến nay, đạt 29,56 triệu đồng (tính theo giá hiện hành), tương đương 1.478 USD. Ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, nhận định: Đạt được kết quả khả quan trên do huyện đã lãnh đạo thực hiện có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa cơ giới hóa từ làm đất đến thu hoạch trong quá trình sản xuất. Huyện đã quy hoạch, hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất lúa - thủy sản, lúa - màu có hiệu quả. Toàn huyện đã có trên 98% diện tích lúa chất lượng cao, năng suất và sản lượng đều tăng, lợi nhuận từ 30 - 35 triệu đồng/ha (năm 2012). Đặc biệt, Vĩnh Thạnh đã xây dựng được mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn; diện tích nuôi thủy sản được mở rộng, sản lượng tăng... đạt hiệu quả kinh tế khá cao, tăng thu nhập cho người dân.

Nền kinh tế thành phố phát triển ổn định và có bước chuyển mới trong phát huy các nguồn lực và lợi thế. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần May Tây Đô.

Không chỉ riêng Vĩnh Thạnh, từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương khác, như: Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thới Lai… cũng nỗ lực và đạt được nhiều kết quả khả quan trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của thành phố. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố khá cao. Chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế dần được cải thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng từng bước hình thành cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2003 - 2012 đạt 14,5%. Thu nhập bình quân đầu người (theo giá hiện hành) 8,3 triệu đồng (năm 2003) tăng lên 53,7 triệu đồng (năm 2012) và ước đạt khoảng 60 triệu đồng (năm 2013)…

Theo nhận định của lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, kết quả khả quan trên là cả quá trình phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Nền kinh tế thành phố phát triển ổn định và có bước chuyển mới trong phát huy các nguồn lực và lợi thế. Thành phố đã chú trọng nhiều hơn cho mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tập trung hơn, trong đó đầu tư cho phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn… góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt, thành phố đã vận dụng và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2000. Nhờ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư…

Tạo sự đồng thuận là bài học lớn!

Dù đạt được kết quả khả quan, song quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố thời gian qua còn nhiều hạn chế. Đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá cao nhưng chưa vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa còn chậm; công nghiệp phát triển nhanh nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ, chủ yếu là công nghiệp chế biến, sản phẩm chưa có sức cạnh tranh cao. Các ngành dịch vụ của thành phố còn nhỏ lẻ, giá trị gia tăng thấp, chưa thật sự trở thành cầu nối thúc đẩy sản xuất phát triển. Xuất khẩu chưa tạo được nguồn hàng có giá trị gia tăng cao và ổn định nên khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Công tác xây dựng và quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại và chưa tương xứng với yêu cầu của đô thị loại I trực thuộc Trung ương… Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực của thành phố cũng còn nhiều hạn chế; trình độ, kỹ năng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động, nhất là các doanh nghiệp có vốn dầu tư nước ngoài, doanh nghiệp sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại… Nguyên nhân của những hạn chế trên, theo UBND TP Cần Thơ, do tình hình kinh tế thế giới biến động đã tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và đời sống của người dân. Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các ngành kinh tế mũi nhọn để tạo điều kiện cho thành phố phát huy được vai trò chưa được chú ý đúng mức… Việc vận dụng hợp lý các chính sách để khuyến khích huy động tốt các nguồn lực, thúc đẩy thực hiện xã hội hóa trên các lĩnh vực triển khai còn chậm. Sự phối hợp với các sở, ngành và đoàn thể trong tham mưu đề xuất và tổ chức thực hiện chưa thật chặt chẽ…

Vấn đề đặt ra, các địa phương đã rút được kinh nghiệm gì để khắc phục hạn chế và làm bài học cho quá trình phát triển trong thời gian tới? Ông Nguyễn Hoàng Ba, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Phải chọn hướng phát triển phù hợp ý Đảng - lòng dân, huy động cả hệ thống chính trị làm công tác tuyên truyền, dân vận để khơi dậy sức mạnh to lớn của nhân dân trên tinh thần tự nguyện, tự giác. Quyền làm chủ tập thể trong Đảng, trong dân phải phát huy đúng mức để các chủ trương, chính sách các kế hoạch, đề án đưa vào thực thi đáp ứng tốt nguyện vọng, đạt được sự đồng thuận của nhân dân. Cần tập trung thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch phải đồng bộ; đào tạo đội ngũ cán bộ có đạo đức, phẩm chất, năng lực ngang tầm với yêu cầu thực tiễn là khâu quyết định cho tiến trình phát triển… Trong lãnh đạo, điều hành cần có sự đoàn kết thống nhất từ trong ra, từ trên xuống; phải xác định và tổ chức thực hiện thắng lợi các khâu đột phá; thường xuyên sơ, tổng kết, khen thưởng kịp thời; tăng cường huy động nội lực, tạo điều kiện thu hút ngoại lực cho phát triển, giúp kinh tế - xã hội tăng trưởng nhanh và vững chắc. Ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho rằng: Trong chỉ đạo thực hiện phải xác định khâu đột phá, những vấn đề trọng tâm để tập trung dồn sức, phát huy sức mạnh tổng hợp. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…

Tiến trình đô thị hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, theo ông Võ Văn Chính, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cần có những giải pháp đồng bộ trong lập lại trật tự kỷ cương đô thị nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị văn minh hiện đại. Do vậy, phải thực hiện tốt việc chỉnh trang, làm đẹp, tạo mỹ quan đô thị, vừa tăng cường công tác tuyên truyền vận động để nâng cao ý thức của người dân, vừa phải có các biện pháp hành chính xử lý các hành vi cố tình vi phạm, vừa phải tạo điều kiện để người dân chấp hành… Xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự kỷ cương đô thị phải vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là nhiệm vụ lâu dài... Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình phát triển cần coi trọng, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với giải quyết an sinh xã hội, phải quan tâm chăm lo xây dựng văn hóa, phát triển toàn diện con người, giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, hạn chế phân cực giàu nghèo, tạo công ăn việc làm… nhằm đảm bảo ổn định về chính trị và trật tự xã hội.

* * *

Kinh nghiệm của chặng đường 10 năm đầu vượt khó, cộng với những "bệ phóng" từ cơ chế, chính sách của Trung ương… cũng đã sẵn sàng, tin tưởng thành phố trẻ Cần Thơ sẽ phát triển đúng như kỳ vọng: là động lực thúc đẩy cả vùng ĐBSCL cùng phát triển.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Ngày 30-8-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1533/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn đến năm 2020, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng công nghiệp- dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao và theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao sau năm 2020; hướng vào các điều kiện tạo thế và lực cho phát triển (kết cấu hạ tầng then chốt, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực, công nghệ và nhân lực)… Đến năm 2030, xây dựng và phát triển TP Cần Thơ thành đô thị trung tâm của vùng ĐBSCL; đô thị hạt nhân gắn với dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp công nghệ cao của vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Vào năm 2030, TP Cần Thơ sẽ là một đô thị xanh, sạch, đẹp, là một đô thị văn minh hiện đại, trình độ tiên tiến, có kiến trúc đặc trưng của một đô thị sông nước, miệt vườn, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa của cả vùng ĐBSCL…

 

Chia sẻ bài viết