Trong nhiều thập niên, Mỹ đã hỗ trợ an ninh của các đồng minh trong khu vực châu Á, nơi có quân nhân xứ cờ hoa phục vụ ở nước ngoài nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Chính sách này được củng cố và phát triển sâu sắc hơn dưới thời Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden. Tuy nhiên, sự "trở lại" của cựu Tổng thống Donald Trump khiến các đồng minh lâu năm của Mỹ lo lắng và thậm chí có những quan ngại về sự đổ vỡ của các nhóm "bộ tam", "bộ tứ" do Mỹ dẫn đầu tại khu vực.
Binh sĩ Mỹ, Hàn trong một cuộc tập trận. Ảnh: inf.news
Hiện các nước châu Á nói chung đang chuẩn bị sẵn sàng cho sự "trở lại" của ông Trump, người lâu nay chỉ trích việc các đồng minh Mỹ không chi đủ cho ngân sách quốc phòng. Theo giới quan sát, trong tâm trí giới lãnh đạo các đồng minh châu Á của Mỹ luôn xuất hiện nhiều câu hỏi về ông Trump. Chẳng hạn, liệu ông có yêu cầu chi tiêu quốc phòng nhiều hơn mức các đồng minh có thể chi trả hay không? Liệu ông có quyết định rút quân Mỹ nếu như bất kỳ yêu cầu nào của ông không được đáp ứng? Liệu ông có đạt được các thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hay Tổng thống Nga Vladimir Putin, hoặc liệu ông có thể củng cố các liên minh của Mỹ hay không?
Nỗ lực ngăn điều tồi tệ xảy ra
Trong bối cảnh trên, giới lãnh đạo trên khắp châu Á một mặt nỗ lực xây dựng mối quan hệ bền chặt với ông Trump, mặt khác thận trọng theo dõi chiến lược của ông trong việc dọa áp mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu và mức thuế lên tới 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc - động thái có thể gây ra những tác động kinh tế đáng kể trên khắp khu vực. Một số người thậm chí lo ngại rằng ông Trump một lần nữa yêu cầu các đồng minh của Mỹ "móc hầu bao" nhiều hơn cho việc tiếp nhận quân đội nước này. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg News vài tuần trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra, ông Trump tuyên bố rằng nếu ông trở thành tổng thống, Hàn Quốc sẽ phải trả 10 tỉ USD/năm để "tiếp đón" quân đội Mỹ, gấp khoảng 8 lần so với số tiền mà Seoul và Washington đã thỏa thuận. Được biết, Hàn Quốc chi hơn 2% GDP cho quốc phòng và được Mỹ coi là chuẩn mực cho các đồng minh. Trong thập niên qua, Seoul cũng đã chi trả 90% chi phí để mở rộng Trại Humphreys, doanh trại lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài với kinh phí xây dựng gần 11 tỉ USD.
Song, tuyên bố trên của ông Trump khiến Hàn Quốc lo ngại rằng ông có thể tìm cách đàm phán lại việc chia sẻ chi phí đồn trú của binh sĩ Mỹ tại nước này mặc dù hai bên đã đạt được thỏa thuận kéo dài 5 năm. Theo đó, trong giai đoạn 2026-2030, Hàn Quốc sẽ chi trả 1.520 tỉ won (tương đương 1,14 tỉ USD)/năm, tăng 8,3%/năm so với năm 2025 để duy trì khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc. Giới quan sát lo ngại, nếu cuộc đàm phán bất thành có thể khiến ông Trump quyết định giảm quy mô hoặc rút quân đội Mỹ khỏi quốc gia Đông Á này. Và nếu trường hợp đó xảy ra, Seoul có thể thúc đẩy phát triển kho vũ khí hạt nhân của riêng mình, từ đó có thể khiến nhiều cường quốc bậc trung phổ biến loại vũ khí này. "Thách thức lớn nhất là liệu Seoul và Washington có thể giao tiếp đúng cách hay không" - Duyeon Kim, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho biết. Theo bà Kim, việc giao tiếp đúng cách là chìa khóa để "tránh những hậu quả tàn khốc và bất ngờ trong liên minh Mỹ - Hàn".
Về phần mình, Nhật Bản, nơi có hơn 50.000 quân nhân Mỹ đồn trú, đang tái khẳng định nước này là một cường quốc quân sự bằng cách đặt mục tiêu tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng hàng năm lên tương đương 2% GDP vào tài khóa 2027. Theo đó, tổng chi tiêu quốc phòng trong giai đoạn 2023-2027 của Nhật Bản là 43.000 tỉ yen (khoảng 320 tỉ USD), tăng 15.500 tỉ yen so với giai đoạn 2019-2023. "Chúng tôi không mong đợi mọi thứ sẽ tốt hơn. Điều chúng tôi có thể làm là có thể tránh điều tồi tệ xảy ra. Chúng tôi đã cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng. Chúng tôi dự đoán ông Trump sẽ sử dụng thuế quan như một chiến thuật đàm phán" - Kazuto Suzuki, Giáo sư chính sách khoa học công nghệ thuộc Đại học Tokyo, cho biết.
Nguy cơ đổ vỡ "bộ tam", "bộ tứ"
Cùng với nguy cơ rạn nứt trong quan hệ đồng minh song phương với Mỹ, các quốc gia trong khu vực đang theo dõi liệu chính quyền Trump 2.0 sắp tới có tiếp nối được di sản quan trọng mà chính quyền Joe Biden để lại hay không, gồm nỗ lực xây dựng "mạng lưới" quan hệ đối tác đan xen trên khắp châu Á - một phần trong chiến lược "đầu tư, liên kết, cạnh tranh" của Mỹ nhằm đối đầu Trung Quốc. Dưới thời chính quyền ông Biden, Mỹ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 bên đầu tiên với Nhật Bản và Hàn Quốc; tổ chức hội nghị thượng đỉnh chính thức đầu tiên của "Bộ tứ" (QUAD, gồm Úc, Ấn Ðộ, Nhật Bản và Mỹ); thành lập quan hệ đối tác AUKUS (Úc, Anh và Mỹ) nhằm trang bị cho Canberra các tàu ngầm vận hành bằng năng lượng hạt nhân. Ngoài ra, chính quyền ông Biden còn làm trung gian cho mối quan hệ hợp tác an ninh của Nhật Bản với Hàn Quốc, Philippines và Úc. Đặc biệt, 4 nước châu Á - Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand đã 3 lần liên tiếp được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) do Mỹ chi phối.
Giới chuyên gia trong khu vực cho rằng ông Trump có thể hủy bỏ, duy trì hoặc thậm chí làm sâu sắc thêm các mối quan hệ trên, bởi trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông tỏ ra không thích việc hợp tác quốc tế, đặc biệt là các thể chế quốc tế. Việc ông ngay lập tức rút khỏi Thỏa thuận Paris năm 2015, có những bình luận không hay về NATO cũng như bày tỏ sự ngờ vực đối với Tổ chức Y tế Thế giới trong giai đoạn nổ ra đại dịch COVID-19 đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên, ông sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế được chứng minh có lợi cho Mỹ. Dù không hài lòng với Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) khi nhậm chức nhưng khi có thể đàm phán lại thỏa thuận với Mexico và Canada, ông Trump vẫn sẵn sàng tham gia thỏa thuận. Do đó, giới chuyên gia cho rằng các đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương có thể "khuyến khích" ông Trump hợp tác quốc tế bằng cách chứng minh lợi ích kinh tế trực tiếp cho Mỹ.
Họ nhìn chung cũng cảm thấy rằng sẽ khó có những thay đổi lớn về sự hiện diện an ninh của Mỹ dưới thời chính quyền Trump ở châu Á, về việc rút quân khỏi khu vực hoặc phá bỏ các thỏa thuận liên minh, đặc biệt là trong bối cảnh Washington tập trung đối phó với những thách thức do Bắc Kinh đặt ra. "Thực tế và hoàn cảnh địa chính trị sẽ buộc ông ấy phải cố gắng duy trì lực lượng trong khu vực. Kịch bản mà tôi đang nghĩ đến là đàm phán lại nhiều hơn là rút quân hoàn toàn. Với việc ông Trump lên nắm quyền, người ta hy vọng rằng ông ấy sẽ không giống ông Biden về mặt xử lý khủng hoảng. Ông ấy có thể sẽ quyết đoán hơn" - Collin Koh, thành viên cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng (Singapore), nhận định.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)