10/08/2024 - 15:09

“Nhà hưu trí dành cho thanh niên” nở rộ ở Trung Quốc 

Gần đây, Trung Quốc chứng kiến sự xuất hiện của nhiều “nhà hưu trí dành cho thanh niên”, nơi hứa hẹn mang đến một trải nghiệm mang tính cộng đồng, thư giãn giúp tránh xa sự khắc nghiệt của đời sống đô thị và các công ty.

Một nhóm khách đang trò chuyện tại Làng hưu trí thanh niên Guanye. Ảnh: CNA

Xiaofei, một nữ chuyên gia kỹ thuật số 28 tuổi quê ở thành phố Bắc Kinh, đã chuyển đến Làng hưu trí thanh niên Guanye ở tỉnh Hà Bắc cách đây 2 tháng, sau khi tìm ra cơ sở này trên trang Xiaohongshu. Nằm cách trung tâm Bắc Kinh khoảng 3 giờ lái xe, Làng Guanye hoàn toàn khác xa với thực tế tại thủ đô Trung Quốc, nơi tình trạng giao thông tắc nghẽn vào giờ cao điểm, các cuộc họp hội là chuyện diễn ra thường ngày.

“Tôi đã chán ngán môi trường cạnh tranh ở thành phố. Sau khi trải nghiệm (ở Làng Guanye), tôi thấy khá thoải mái”, Xiaofei chia sẻ, nói thêm rằng cô ấn tượng với cảnh sắc thiên nhiên và bầu không khí nông thôn tại đây.

Giống như Xiaofei, ngày càng nhiều người trẻ tìm kiếm những không gian thư giãn như vậy.

Tìm kiếm bình yên trong nội tâm

Trái với tên gọi, nhà hưu trí dành cho thanh niên không giống như cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Theo ông Cui Kai, 1 trong 6 người quản lý tại Làng Guanye, từ “hưu trí” chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, dùng ​​để “biểu thị sự tìm kiếm bình yên trong nội tâm và lối sống thanh thản, vượt qua ranh giới tuổi tác”.

Ðược thành lập vào năm 2017, Làng Guanye cung cấp hơn 240 giường tại 3 tòa nhà ký túc xá và có 10 sân chung. Giá lưu trú tại đây từ 138NDT/ngày đến 3.599NDT/tháng. Phần lớn khách thuê từ 20-40 tuổi, bao gồm những người hành nghề tự do, chuyên gia đang bị ngưng trệ trong sự nghiệp và những người tìm kiếm sự phiêu lưu.

Việc chuẩn bị bữa ăn tại Làng Guanye là công việc cộng đồng. Nơi này cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động chung như chèo bè, đi bộ đường dài, đi bộ chụp ảnh và các cuộc thi làm bánh bao, nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa khách thuê và dân làng. Xiaofei cho biết việc tham gia các hoạt động là tự nguyện, nhằm hình thành mối quan hệ chân thành và chia sẻ trải nghiệm.

Theo ghi nhận của báo Channel News Asia, mô hình nhà hưu trí thanh niên đã xuất hiện ở nhiều nơi như Trịnh Châu, Trùng Khánh, Vân Nam và Sơn Ðông, cho thấy nhu cầu gia tăng trong giới trẻ Trung Quốc.

Tuy nhiên, xu hướng đó bị chỉ trích mạnh mẽ, đặc biệt là từ thế hệ lớn tuổi. Trên Weibo - trang mạng xã hội nổi tiếng của Trung Quốc, một người dùng chỉ trích việc thanh niên muốn nghỉ hưu quá sớm là hành động bỏ bê trách nhiệm thật sự của họ. Còn một người dùng khác cho rằng xã hội khó có thể tiến bộ nếu tất cả người trẻ đều áp dụng lối suy nghĩ này.

Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng xu hướng đó phản ánh sự vỡ mộng ngày càng tăng của giới trẻ khi phải đối mặt với nền kinh tế trì trệ, thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt và chi phí sinh hoạt tăng cao. Tiến sĩ Amir Hampel tại Ðại học New York Thượng Hải thừa nhận thanh niên Trung Quốc đang mệt mỏi và nhiều người không thấy hy vọng đạt được mong muốn trong sự nghiệp.

Thay đổi tư duy về công việc

Ông Zak Dychtwald, người sáng lập công ty tư vấn Young China Group, quan sát thấy có sự thay đổi tư duy ở Trung Quốc, đặc biệt là ở thế hệ trẻ, phản ánh xu hướng toàn cầu rộng lớn hơn. Tại Mỹ và châu Âu, Thế hệ Millennials (sinh từ năm 1981-1996) và Thế hệ Z (sinh từ năm 1997-2012) cũng đang phản đối mô hình làm việc truyền thống từ 9 giờ sáng đến 17 giờ trong khi ủng hộ cách làm việc từ xa, những công việc trong nền kinh tế chia sẻ (làm bán thời gian hoặc tạm thời) và cân bằng hơn giữa công việc và cuộc sống.

Tiến sĩ Hampel cho biết tại những nơi như nhà hưu trí dành cho thanh thiếu niên, khách thuê chủ yếu là tầng lớp trung lưu và những người muốn có lối sống của tầng lớp trung lưu. Những không gian này mang đến cho thanh niên một nơi để gặp gỡ bạn bè và thoát khỏi áp lực cuộc sống, ít nhất là tạm thời.

Những thanh niên ở đây không lãng phí thời gian, mà đang trong quá trình tự hoàn thiện. Ông cho biết một số người trẻ sử dụng thời gian rảnh rỗi để phát triển các kỹ năng như kết nối mạng và tổ chức, trong khi số khác củng cố kiến ​​thức chung của họ. Ðây đều là những kỹ năng có giá trị trên thị trường việc làm.

NGUYỆT CÁT (Theo CNA)

Chia sẻ bài viết