22/05/2013 - 22:23

“Đối tác mọi thời tiết”

Sau 3 ngày ở Ấn Độ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 22-5 đã tiếp tục chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Pakistan.

Thông thường, không có vị chính khách cấp cao nước ngoài nào tới một quốc gia đang trong quá trình chuyển giao quyền lực từ đảng này sang đảng khác, nhưng Trung Quốc coi Pakistan là “đối tác mọi thời tiết” (all-weather partnership), tức là đồng minh ổn định, không thay đổi lập trường với Trung Quốc dù đảng phái chính trị mới lên nắm quyền.

Mối quan hệ ngoại giao thiết lập từ cách đây 62 năm giữa Trung Quốc và Pakistan được chính quyền hai nước công khai gọi là “mối quan hệ đặc biệt”, tương đương với mối quan hệ giữa Mỹ với Anh. Khác với các nước phương Tây, các công trình xây dựng của Trung Quốc cho Pakistan như cầu đường, đập thủy điện, nhà máy hạt nhân, trường học, bệnh viện…là các khoản vay vô điều kiện. Hai bên ủng hộ nhau không chỉ trong chuyện nội bộ như chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, mà còn trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Cho nên, cũng dễ hiểu khi hai nước láng giềng này không có tranh chấp biên giới hay lãnh hải phức tạp, trong khi cả hai đã và đang tiếp tục đối đầu căng thẳng với Ấn Độ về chủ quyền lãnh thổ rất khó giải quyết. “Kẻ thù của kẻ thù là bạn” từng được sử dụng trong chiến lược ngoại giao quốc tế như vậy.

Dĩ nhiên, trong một thế giới đang đi theo xu hướng hòa hoãn, hợp tác và cạnh tranh hiện nay, Trung Quốc và Pakistan muốn tranh thủ lẫn nhau nhằm vừa tạo ra lợi ích riêng cho mình vừa kiềm chế đối thủ Ấn Độ. Cả hai cũng cần sát cánh bên nhau để tạo dựng không gian ảnh hưởng tại nước láng giềng Afghanistan giàu tài nguyên khoáng sản thời hậu chiếm đóng của Mỹ năm 2014.

Nhưng có lẽ Bắc Kinh được hưởng lợi nhiều hơn từ mối quan hệ đối tác với Pakistan. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trên đà phát triển mạnh này cần mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; cần cửa ngõ chiến lược giám sát đường vận tải hàng hải giữa Biển A-rập và Eo biển Hormuz qua việc giành quyền quản lý cảng biển chiến lược Gwadar của Pakistan; cần nguồn cung ứng tài nguyên năng lượng  mới từ Afghanistan và đường ống dẫn khí đốt từ Iran qua Pakistan.

                                                             KIẾN HÒA (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết