Thủ tướng Anh David Cameron vừa trở thành người đứng đầu chính phủ xứ sương mù đầu tiên đi thăm Algérie kể từ khi nước này giành độc lập năm 1962 từ tay thực dân Pháp. Ông Cameron cũng đã bất ngờ ghé Thủ đô Tripoli của Libye trước khi đến Liberia dự cuộc họp của Ủy ban cấp cao Liên Hiệp Quốc bàn về các vấn đề viện trợ phát triển sau năm 2015 diễn ra hôm qua 1-2.
Thời báo New York của Mỹ cho biết chuyến công du vội vã của Thủ tướng Anh tại hai quốc gia Bắc Phi vừa nêu là để phô trương hàng loạt các cam kết của Luân Đôn trong việc xây dựng đối tác mới với khu vực này trên các lĩnh vực quốc phòng, chống khủng bố, chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện quân sự, kể cả huấn luyện cho lực lượng đặc nhiệm. Dù tuyên bố Luân Đôn không có ý định tham chiến ở Bắc Phi, nhưng ông Cameron đã gởi 330 binh sĩ Anh cùng với máy bay vận tải quân sự và thiết bị do thám tối tân sang hỗ trợ quân đội Pháp tại Mali. Ông cũng đưa ít nhất 200 cố vấn quân sự, phần lớn sang Nigeria và Ghana, tham gia huấn luyện cho quân đội Mali.
Tại Algérie, ông cam kết Luân Đôn sẽ hợp tác chặc chẽ với chính quyền Algiers trong cuộc chiến chống khủng bố sau vụ bắt cóc con tin người nước ngoài tại nhà máy khí đốt ở miền Nam nước này dẫn đến cuộc giải cứu đẫm máu làm hàng chục con tin thiệt mạng, trong đó có 6 công dân Anh. Sau thảm họa ấy, ông Cameron tuyên bố "thách thức khủng bố tại Bắc Phi đòi hỏi một biện pháp rắn như thép, sự kiên trì và khó nhọc kéo dài trong vài năm và thậm chí nhiều thập niên". Ông gọi Bắc Phi và khu vực sa mạc Sahel là "thỏi nam châm của các phần tử thánh chiến". Libye thì nằm trong kế hoạch mở rộng hỗ trợ huấn luyện lực lượng kiểm soát an ninh biên giới mà Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết trong chiến lược triệt tiêu phiến quân Hồi giáo tại Bắc Phi.
Theo Thời báo New York, việc Thủ tướng Cameron xuất hiện tại Bắc Phi cùng những cam kết an ninh cứng rắn như vậy là một "hành động dũng cảm". Bởi đa số dân Anh quan ngại Bắc Phi có thể trở thành một "vũng lầy" mới trong cuộc chiến chống khủng bố đầy ác mộng như đã diễn ra ở Afghanistan. Chuyến đi của ông Cameron cũng diễn ra trong bối cảnh các chân rết al-Qaeda ở Bắc Phi đe dọa sẽ tấn công các mục tiêu phương Tây tại khu vực này nhằm báo thù sự can thiệp quân sự của Pháp tại Mali. Chính văn phòng đối ngoại của Thủ tướng Anh đã nhận được cảnh báo đe dọa nhằm vào Đại sứ quán Anh tại Tripoli và thúc giục công dân Anh phải rời khỏi thành phố Benghazi.
Thật ra thì tình hình an ninh ở Tripoli không tồi tệ như Benghazi, thành trì của lực lượng nổi dậy tại miền Đông Libye trong chiến dịch lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi. Tuy nhiên, ông Cameron đến Tripoli và vẫy chào thường dân Libye tại "Quảng trường tử vì đạo" bằng một đoàn xe bọc thép hạng nặng với sự yểm trợ của máy bay quân sự và xung quanh là các tay súng thiện xạ đảm bảo an ninh. Nó báo hiệu cuộc dấn thân đầy mạo hiểm của chính quyền Cameron nhằm bảo vệ lợi ích của Anh ở vùng đất còn nhiều tiềm năng khai phá nhưng nhiều bất ổn này, đặc biệt là khi những ông bạn lâu năm như Pháp và Mỹ đã hoặc vừa đánh tiếng "nhảy vào cuộc chơi".
ĐỨC TRUNG (Theo Nytimes, Reuters)