26/02/2013 - 08:34

“Chiến tranh lạnh trên không gian mạng” giữa Mỹ và Trung Quốc

Khi Mỹ thúc giục Trung Quốc ngừng ngay "các vụ tấn công mạng được chính quyền hậu thuẫn" nhưng Bắc Kinh một mực khẳng định họ "không có liên quan", Washington đã chuyển sang chiến lược khác để đối phó. Họ tiến hành cái gọi là "Chiến tranh lạnh trên không gian mạng", thay cho đối đầu trực tiếp vốn không có lợi.

Không chỉ đích danh Trung Quốc

Mỹ sẽ đa dạng hóa các biện pháp chống lại hành vi tấn công mạng từ Trung Quốc. Ảnh: smh.com.au 

Tuần qua, khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama thông báo cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước danh sách các địa chỉ IP có liên quan đến một nhóm tin tặc đã ăn cắp nhiều terabyte dữ liệu từ các công ty của Mỹ, họ đã bỏ sót một sự thật quan trọng là hầu như mọi địa chỉ IP đều dẫn tới Thượng Hải, nơi đặt trụ sở của bộ chỉ huy không gian mạng (còn gọi là "Nhóm Bình luận") thuộc quân đội Trung Quốc. Sự bỏ sót có chủ ý này cho thấy chính quyền Obama đang thận trọng trong cách đương đầu trực tiếp với dàn lãnh đạo mới toanh của Trung Quốc xung quanh vấn đề tấn công mạng.

Giới chức Washington cho biết so với trước đây, họ giờ đã sẵn sàng thách thức Trung Quốc một cách trực tiếp, như mới tuần rồi, Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder đã thông báo chiến lược mới chống trộm cắp bí mật thương mại. Thế nhưng, Tổng thống Obama đã tránh chỉ đích danh Trung Quốc trong Thông điệp liên bang tuần qua của mình, mà chỉ nói rằng: "Những kẻ thù của chúng ta đang tìm cách phá hoại mạng lưới điện, các định chế tài chính và hệ thống kiểm soát không lưu của chúng ta".

Theo Thời báo New York, việc định nghĩa "kẻ thù" trong trường hợp này không phải là chuyện dễ. Lý do là Trung Quốc không phải kẻ thù công khai, mà là một đối thủ cạnh tranh về kinh tế cũng như là một nhà cung cấp kiêm khách hàng của Mỹ (kim ngạch thương mại song phương Mỹ-Trung năm 2012 đạt tới 425 tỉ USD). Hơn nữa, Trung Quốc còn là chủ nợ của xứ cờ hoa. Ngoại trưởng Clinton từng nói: "Làm sao bạn có thể xử sự cứng rắn với chủ nợ của mình?".

Tất cả giúp giải thích tại sao Trung Quốc không được đề cập là điểm xuất phát của những địa chỉ IP tình nghi trong cảnh báo gửi cho các nhà cung cấp Internet Mỹ.

…nhưng có cách riêng để đối phó

Trong trường hợp có bằng chứng cho thấy quân đội Trung Quốc có lẽ đứng đằng sau "Nhóm Bình luận" – lực lượng lớn nhất trong số gần 20 nhóm tin tặc mà các cơ quan tình báo Mỹ đang theo dõi, Mỹ chọn cách "thận trọng cao độ". Nhưng quan điểm trên đang bắt đầu thay đổi. Trong vài tháng tới, Washington sẽ gửi nhiều cảnh báo riêng đến các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm ông Tập Cận Bình, Chủ tịch tương lai của nước này. Cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon và Ngoại trưởng John Kerry sẽ thăm Trung Quốc. Các cuộc hội đàm sẽ đề cập tới qui mô và sự tinh vi của các vụ tấn công mạng xảy ra trong vài năm qua đe dọa làm xói mòn sự ủng hộ của các liên minh lớn nhất tại Washington dành cho Trung Quốc, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.

Washington nói rằng các vụ tấn công mạng của quân đội Trung Quốc chủ yếu nhằm đánh cắp bí mật thương mại, như các thiết kế về hàng không vũ trụ và biểu đồ sản phẩm năng lượng gió. Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào năng lượng tái tạo và luôn tìm cách có được lợi thế cạnh tranh, trong khi tấn công mạng là một cách không tốn tiền. Vì vậy, Mỹ sẽ thay đổi điều đó bằng nhiều cách khác nhau, từ đàm phán nhẹ nhàng tới trừng phạt kinh tế và bàn về các biện pháp phản công dưới sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy Không gian mạng thuộc quân đội Mỹ (Cyber Command) – đơn vị đã liên kết với Israel tiến hành các vụ tấn công mạng nhằm vào các nhà máy hạt nhân của Iran trước đây.

Ngoài ra, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách kinh tế Robert Hormats cho rằng chìa khóa để thành công trong cuộc chiến chống tin tặc là nói với Trung Quốc rằng các vụ tấn công mạng sẽ phương hại triển vọng tăng trưởng kinh tế của họ. "Chúng ta phải nhấn mạnh rằng người Trung Quốc sẽ không có được những khoản đầu tư béo bở từ các công ty công nghệ Mỹ, trừ phi họ nhanh chóng kiểm soát được vấn đề này"- ông Hormats nói. Thậm chí, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers còn đòi tiến hành một biện pháp mạnh hơn, bao gồm buộc tội những kẻ tấn công và cấm những kẻ bị tình nghi và gia đình của họ nhập cảnh vào Mỹ.

Dù các biện pháp nói trên vẫn chưa được áp dụng nhưng có thể nói so với những xung đột tồn tại nhiều thập kỷ qua, "cuộc chiến tranh lạnh trên không gian mạng" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang diễn ra theo cách ít nguy hiểm hơn song phức tạp và tai hại hơn.

THANH TRÚC (Theo NY Times)

Chia sẻ bài viết