02/12/2017 - 14:02

“Chết cô đơn” gia tăng ở Nhật Bản 

“Chết cô đơn” là một vấn nạn đang gia tăng ở Nhật Bản, quốc gia có 27,7% dân số trên 65 tuổi trong khi nhiều người tuổi trung niên từ bỏ nỗ lực tìm kiếm bạn đời để tiếp tục cuộc sống đơn độc của họ.

Căn phòng của một Kodokushi đang được giới chức thu dọn. Ảnh: Japan Today

Trong tiếng Nhật, những người chết trong cô độc và được phát hiện sau khi qua đời nhiều ngày được gọi bằng cái tên “Kodokushi”. Tuy chưa có thống kê chính thức về số lượng các Kodokushi, nhưng đa số chuyên gia ước tính có 30.000 ca Kodokushi mỗi năm tại xứ Phù Tang. Tuy nhiên, Yoshinori Ishimi - người điều hành dịch vụ dọn dẹp “tàn tích” của người chết Anshin Net - cho rằng con số thực tế còn cao hơn gấp 2-3 lần.

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa các yếu tố văn hóa-xã hội và đặc điểm nhân khẩu học của Nhật đã làm phức tạp thêm hiện tượng Kodokushi. Trong vài thập niên gần đây, một Nhật Bản hiện đại đã trải qua những thay đổi sâu rộng về văn hóa và kinh tế. Nhưng các nhà nhân khẩu học nói rằng mạng lưới an sinh xã hội của đất nước Mặt trời mọc lại không bắt kịp với những thay đổi đó – khiến gánh nặng chăm sóc người cao tuổi vẫn đặt trên vai gia đình họ. “Tại Nhật, gia đình lâu nay là nền tảng vững chắc về sự hỗ trợ xã hội cho tất cả mọi thứ”- Katsuhiko Fujimori, chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề phúc lợi, giải thích.

Theo đó, vấn nạn Kodokushi đã bị làm trầm trọng hơn vì nền văn hóa ăn sâu của người dân Nhật – đó là dựa vào gia đình hơn là vào láng giềng trong những lúc gặp khó khăn. Đơn cử, nhiều người lớn tuổi sợ làm phiền hàng xóm ngay cả khi phải nhờ giúp đỡ trong những vấn đề nhỏ nhặt nhất. Hệ quả là họ sống cô độc và thiếu tương tác xã hội.

Theo một nghiên cứu của Chính phủ Nhật, khoảng 15% số người cao tuổi đang sống một mình tại nước này có giao tiếp 1 lần/tuần, trong khi tần suất giao tiếp của người cao tuổi ở Thụy Điển là 5 lần/tuần, ở Mỹ là 6 lần/tuần và ở Đức là 8 lần/tuần. Trong khi đó, tỷ lệ hộ gia đình 1 thành viên của Nhật đã tăng hơn gấp đôi trong 30 năm qua, đạt 14,5% trong tổng dân số quốc gia. Trong đó, số hộ mới tăng chủ yếu là những nam giới độ tuổi 50 và phụ nữ từ 80 tuổi trở lên.

Tỷ lệ kết hôn đang giảm xuống, xuất phát từ việc nhiều nam giới lo ngại công việc của họ quá bấp bênh để có thể ổn định cuộc sống và kết hôn, trong khi ngày càng nhiều phụ nữ đi làm nên không còn cần tìm chồng để chu cấp cuộc sống nữa. Được biết, cứ 4 người đàn ông Nhật tuổi ngũ tuần thì có 1 người chưa từng kết hôn và con số này được ước tính sẽ tăng lên mức 33% vào năm 2030.

Mặt khác, do không muốn tạo thêm gánh nặng cho người thân, nhiều người cao tuổi Nhật miễn cưỡng chọn cách chết ở nhà dù cảm thấy chết tại bệnh viên là an toàn hơn. Theo họ, việc qua đời tại nhà là giải pháp chấp nhận được giữa lúc giường bệnh trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết trong xã hội già hóa của Nhật.  Giới chức y tế dự báo nước này sẽ thiếu hơn 470.000 giường bệnh vào năm 2030.

HẢI NGUYỆT (Theo AFP, Korea Exposé)

Chia sẻ bài viết