15/02/2012 - 09:11

“Cách mạng Ngọc trai” một năm nhìn lại

Cảnh sát Bahrein dùng hơi cay trấn áp người biểu tình hôm 13-2. Ảnh: AP

Tờ Wall Street Journal của Mỹ số ra hôm qua cho biết cảnh sát chống bạo động đã đụng độ với người biểu tình trên khắp vương quốc Bahrein trong ngày 13-2, tức một ngày trước khi diễn ra các hoạt động mà người biểu tình tuyên bố là nhằm kỷ niệm một năm nổi dậy chống chính quyền, đòi thay đổi chế độ và thiết lập “một nền quân chủ lập hiến mới” ở đất nước này.

Cuộc đụng độ ngày 13-2 vừa qua được xem là bạo lực nhất trong vài tháng trở lại đây ở Bahrein. Hàng ngàn người biểu tình tham gia cuộc diễu hành chống chính phủ đã đổ xuống đường cao tốc hướng đến Quảng trường Ngọc trai ở trung tâm Thủ đô Manama, nơi bùng phát cuộc nổi dậy đòi dân chủ cách nay một năm.

Cuộc nổi dậy khi ấy được cho là lấy “cảm hứng” từ “Mùa xuân A-rập” tại Tunisie và Ai Cập, nhưng lại không được Mỹ và đồng minh phương Tây ủng hộ. Giới cầm quyền Mỹ lúc bấy giờ còn đưa ra những tuyên bố cứng rắn phản đối sự can thiệp từ bên ngoài, nhưng lại làm ngơ để Arabie Séoudite và Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE), hai quốc gia theo chế độ quân chủ khác ở vùng Vịnh, đưa quân đến hỗ trợ chính quyền Bahrein dập tắt ngọn lửa vừa nhen nhóm của cái gọi là “Cuộc cách mạng Ngọc trai”.

Ai cũng biết Quốc vương Hamid bin Isa al-Khalifa, thuộc dòng Hồi giáo Sunni, đang trị vì Bahrein. Tuy nhiên, Bahrein lại có tới 70% dân số là người Hồi giáo dòng Shiite. Mặc dù chính phủ đã triển khai nhiều chính sách cải cách, nhưng mâu thuẫn xã hội vẫn len lỏi giữa người Hồi giáo dòng Sunni và người Hồi giáo dòng Shiite. Và cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ngày 14-2 năm ngoái, theo đánh giá của giới phân tích, đã châm ngòi cho những mâu thuẫn sâu xa trong xã hội. Và các cuộc biểu tình bùng phát “hậu cách mạng hoa Nhài” ở Tunisie, Ai Cập và Libye hồi năm ngoái chính là những cơ hội tốt nhóm lên đốm lửa vốn đã cháy âm ỉ trong lòng Bahrein.

Song, điều làm dư luận ngạc nhiên hơn hết, thậm chí cho đến tận ngày nay khi các cuộc nổi dậy mang danh “đòi dân chủ” vẫn trỗi dậy ở nhiều nơi trong thế giới A-rập, chính là thái độ của giới cầm quyền Mỹ. Không giống như trường hợp của Libye, Tunisie, Ai Cập hay như Syrie hiện thời, Mỹ lại tỏ thái độ phản đối gay gắt các động thái can thiệp từ bên ngoài. Điều hợp lý nhất có thể lý giải cho thái độ này của người Mỹ chính là lợi ích của họ ở Bahrein, bởi ai cũng biết Bahrein là đồng minh thân cận, đồng thời là nơi đóng quân của Hạm đội 5 của Mỹ. Trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, Bahrein là nơi đóng quân của 30 tàu chiến các loại của Mỹ. Với điểm trú ẩn an toàn này, tàu chiến Mỹ có thể kiểm soát kênh đào Suez và rộng hơn là an ninh vùng Vịnh cũng như khu vực Trung Đông. Cho nên sẽ chẳng có gì lấy làm ngạc nhiên khi “Cuộc cách mạng Ngọc trai” ở Bahrein, theo nhận định của nhiều hãng tin phương Tây, vẫn chưa kết thúc và nó một lần nữa làm bất ổn quốc gia này.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết