Hạ viện Anh, sau khi buộc phải rút ngắn kỳ nghỉ hè theo yêu cầu của Thủ tướng David Cameron, cuối cùng đã bác bỏ kế hoạch quân sự của chính phủ tại Syrie với tỷ lệ 285 phiếu chống so với 272 phiếu ủng hộ. Ông Cameron thừa nhận: "Điều đó rõ ràng phản ánh nguyện vọng của nhân dân Anh không muốn nhìn thấy đất nước phải can thiệp quân sự và chính phủ sẽ tuân thủ".
Các nhà bình luận cho biết, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1782, một thủ tướng Anh thất bại trong cuộc bỏ phiếu về chiến tranh trước nghị viện. Hãng tin Anh Reuters đánh giá sự thất bại này có thể làm tiêu tan hy vọng tái cử vào năm 2015 của Thủ tướng Cameron, dù ông tuyên bố chính phủ sẽ tiếp tục chờ kết quả điều tra vũ khí hóa học tại Syrie và sẵn sàng tổ chức cuộc bỏ phiếu lần hai trước khi tham chiến.
Câu hỏi đặt ra là tại sao chính quyền Cameron lại quá sốt sắng tấn công Syrie trong khi giới tình báo phương Tây và các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đang khẩn trương thu nhập chứng cứ vũ khí hóa học được sử dụng tại nước này? Các nhà phân tích nhận định chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad chẳng dại gì dùng vũ khí gây sát thương lớn trong bối cảnh các thanh sát viên quốc tế đang có mặt tại Syrie để điều tra cáo buộc tương tự hồi tháng 3-2013, nhất là khi quân đội của ông chiếm ưu thế vượt trội trước phe nổi dậy.
Nhắc lại để thấy các nhà lập pháp Anh hiện nay nghi ngờ cái mà nghị viện nước này từng "mắc lừa" chuyện vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq do giới tình báo và các thế lực hiếu chiến ở Mỹ "dàn dựng" năm 2003 để lôi kéo sự tham gia của Anh, rồi "sa lầy" trong cuộc chiến tàn khốc kéo dài 8 năm mà tới nay nơi chưa đem lại sự bình yên cho người dân Iraq. Trong khi đó, chiến dịch chống khủng bố lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan từ cuối năm 2001 vẫn còn là "cơn ác mộng" cho lực lượng an ninh nước ngoài.
Reuters ngày 30-8 vì vậy giật tít "bóng ma chiến tranh Iraq ngăn cản kế hoạch tham chiến của nước Anh tại Syrie". Thậm chí, giới phân tích cảnh báo cuộc chiến mới ở Syrie có thể kéo theo nhiều hệ lụy hơn cả ở Iraq, bởi đây là quốc gia có quá nhiều sắc tộc, tôn giáo rất phức tạp có thể tác động đến các nước láng giềng A-rập khác. Syrie còn có đồng minh Hezbollah đang cầm quyền ở Liban, đồng thời là bạn bè "sinh tử" của Iran và là trụ cột gần như duy nhất của Nga tại Trung Đông.
Liệu tiếng nói của nghị viện Anh có tác động tới giới lãnh đạo Mỹ, nơi Tổng thống Barack Obama, trước sức ép của các thế lực diều hâu, muốn nhanh chóng tiến hành cuộc tấn công quân sự nhằm bảo vệ "những lợi ích cốt lõi của Mỹ" trong vấn đề Syrie? Hãy chờ xem.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)