10/06/2019 - 09:17

Ðất hiếm có hiếm? 

Nhà máy chế biến đất hiếm của tập đoàn Lynas (Úc) tại Malaysia.

Nhiều mặt trận đã được mở trong cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc, nào là thuế quan, công nghệ cho tới giáo dục. Một lĩnh vực khác gần đây cũng thường được nói đến là đất hiếm, mà cụ thể là Bắc Kinh có thể dùng khoáng sản này như một vũ khí buộc Washington phải xuống thang. Trước mắt, Trung Quốc đã áp thuế 25% lên đất hiếm xuất khẩu sang xứ cờ hoa, đồng thời để ngỏ khả năng ngưng cung cấp hoàn toàn sản phẩm này cho đối thủ. Việc Chủ tịch Tập Cận Bình thăm một nhà máy chế biến đất hiếm ở tỉnh Giang Tây hồi cuối tháng 5 chắc hẳn không phải ngẫu nhiên, mà là một thông điệp gởi sang bên kia bờ Thái Bình Dương.

Đất hiếm là một tập hợp gồm 17  nguyên tố hóa học, được sử dụng trong nhiều sản phẩm điện tử công nghệ cao dùng cho mục đích dân sự lẫn quân sự. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất đất hiếm số một thế giới với sản lượng hồi năm ngoái lên tới 120.000 tấn, chiếm gần 4/5 sản lượng toàn cầu (nước này cũng nắm hơn 1/3 trữ lượng đất hiếm của thế giới với 44 triệu tấn). Mỹ tuy là một trong 10 nhà sản xuất đất hiếm hàng đầu nhưng sản lượng chỉ 15.000 tấn/năm. Mặt khác, do quy mô nền kinh tế lớn nên Mỹ phải nhập khẩu nguyên liệu này, mà 80% trong số đó đến từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, thực tế là Trung Quốc không giữ thế độc quyền về đất hiếm. Theo hãng tin AP, Úc, Myanmar, Nga và Ấn Độ cũng là những nhà sản xuất lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam và Brazil đang sở hữu trữ lượng đất hiếm đáng kể. Việc Trung Quốc ngừng xuất khẩu sẽ đẩy giá đất hiếm lên cao và đây có thể là cơ hội để các nước khác tăng cường khai thác.

Thế nên Mary Teagarden, chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Quản lý toàn cầu (Mỹ) cho rằng “Trời đâu có sập. Còn có những giải pháp thay thế”. Chia sẻ quan điểm này, nhà phân tích chính sách thương mại Simon Lester tại Viện Cato nhận định: “Trong ngắn hạn có thể có sự gián đoạn, nhưng các công ty sẽ tìm ra cách”. Trong căng thẳng thương mại với Trung Quốc hồi năm 2011, Nhật từng quay sang các nước khác như Úc để mua đất hiếm.

Chưa hết, tuy có lệ thuộc vào nguồn đất hiếm từ nước ngoài nhưng năm ngoái Mỹ chỉ tốn khoảng 160 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu này.

Thật ra, trước những năm 1990, Mỹ là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới. Một trong những lý do khiến Trung Quốc sau đó vươn lên là nhờ giá lao động rẻ và tiêu chuẩn môi trường thấp trong khi Mỹ hạn chế sản xuất, thậm chí đóng cửa ngành công nghiệp này. Hiện đất hiếm khai thác tại mỏ Mountain Pass của Mỹ cũng được đưa sang Trung Quốc xử lý.

Trong lúc Bắc Kinh định “bắt chẹt” Washington, tập đoàn sản xuất đất hiếm Lynas của Úc hồi giữa tháng 5 đã ký bản ghi nhớ với công ty Blue Line của Mỹ về việc thiết lập nhà máy chế biến đất hiếm ở bang Texas. Còn Bộ Quốc phòng Mỹ thì đã bắt đầu đàm phán với các công ty ở Malawi và một số hãng khác trên thế giới để chuẩn bị nguồn cung mới đối với loại nguyên liệu quan trọng này.

Tình hình như vậy khiến Bộ Thương mại Mỹ tự tin tuyên bố hôm 4-6 rằng những bước đi nhằm đảm bảo nguồn cung đất hiếm sẽ có chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ nếu như Trung Quốc ngừng xuất khẩu.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết