20/02/2018 - 09:17

Vì một đồng bằng thịnh vượng và bền vững 

THU HÀ- VĂN THỨC- NAM HƯƠNG (thực hiện)

Kết thúc “Hội nghị Diên Hồng” do Thủ tướng chủ trì tại TP Cần Thơ cuối tháng 9-2017, một Nghị quyết cho đồng bằng đã được ban hành- Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Với kỳ vọng xây dựng ĐBSCL phát triển bền vững và phồn thịnh. Đầu xuân, lãnh đạo các địa phương trong vùng, các nhà khoa học đã nêu lên kỳ vọng về Nghị quyết 120; đồng thời hiến kế cho vùng đất Chín rồng tiếp tục tươi mới.

Ông Phạm Văn Rạnh, Bí thư Tỉnh ủy Long An: Sớm có cơ chế, chính sách để cụ thể hóa Nghị quyết

Nghị quyết 120 của Chính phủ được xem là Nghị quyết tạo bước đột phá trong định hướng phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu tầm nhìn đến năm 2100. Đây là Nghị quyết hết sức quan trọng, đáp ứng cơ bản nguyện vọng cấp ủy, chính quyền và người dân các địa phương vùng ĐBSCL.

Biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống người dân trong vùng đã hiện hữu, do đó Nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này là thật sự có ý nghĩa. Về phía tỉnh Long An, trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh đã xác định những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của tỉnh thì triển khai ngay như: Xây dựng kế hoạch sử dụng nước ngọt, nước mặn thích hợp để phát triển kinh tế; rà soát điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi mô hình phát triển phải dựa trên hệ sinh thái, bảo đảm phù hợp với điều kiện tự nhiên; rà soát, điều chỉnh phương án giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, ứng phó với các kịch bản bất lợi nhất có thể xảy ra.

Điều mà các cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng ĐBSCL mong chờ nhất chính là Trung ương sớm có cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa Nghị quyết, để trong tương lai không xa không chỉ thích ứng có hiệu quả với tác động biến đổi khí hậu toàn cầu, mà còn có cơ hội khai thác, phát huy hết mọi tiềm năng, lợi thế của mình nhằm phát triển nhanh và hội nhập bền vững, góp phần cho sự phát triển chung của cả nước.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: Cùng nắm tay vượt qua “lời nguyền vùng trũng”

Chủ trương liên kết vùng chúng ta đã đặt ra từ lâu, trong nhiều nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ. Tuy nhiên, quả thật đây đó đã ít nhiều “nguội lạnh”. Nguyên nhân thì có nhiều: thể chế, tư duy nhiệm kỳ, áp lực tăng trưởng của từng địa phương... Tuy nhiên theo tôi, có thể do chúng ta chưa lượng hóa được liên kết chính là làm cho “chiếc bánh lớn ra” nhờ dựa trên “lý thuyết kinh tế theo quy mô”. Và có lẽ chúng ta chưa quen với cách đặt tầm nhìn xa như vậy, chúng ta vẫn quen với tầm nhìn ngắn hạn và lắm lúc muốn đạt được kết quả trong “ngày một, ngày hai”. Việc cùng ngồi lại để cùng nhau tìm ra những giá trị từ liên kết, chia sẻ lợi ích trên nguyên tắc đồng thuận, cùng có lợi và phải đặt trong tầm nhìn dài hạn.

Trước khi diễn ra “Hội nghị Diên Hồng”  là sự kiện hợp long cầu Cao Lãnh và Vàm Cống, tôi đã nghĩ ngay đến có sự liên hệ giữa “hợp long” và “hợp lực”. Hệ thống giao thông thì dần kết nối rồi, nhưng làm sao các địa phương trong vùng ĐBSCL, bao gồm cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân kết nối với nhau mới là điều quan trọng nhất. Khi ấy, sức mạnh cả vùng mới được cộng hưởng và thông điệp của Thủ tướng chỉ đạo tại Hội nghị là: “Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp” và “Giảm diện tích sản xuất lúa, chuyển sang những cây con khác thích ứng với biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên nước” mới trở thành hiện thực. Người đồng bằng, ngoài sự hỗ trợ của Trung ương, phải cùng nắm tay nhau vượt qua “lời nguyền” là một “vùng trũng”, biến vùng đất này trở nên thịnh vượng, người dân giàu có.

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre: Hy vọng đồng bằng sẽ là “thung lũng” ứng dụng công nghệ

“Hội nghị Diên Hồng” kết thúc, Nghị quyết 120 được ban hành- một quyết sách mới cho ĐBSCL. Nghị quyết thể hiện rõ tầm nhìn mới, định hướng chiến lược và các giải pháp toàn diện, căn cơ và đồng bộ cho sự phát triển của vùng, nhất là tập trung huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững khu vực ĐBSCL.

Bến Tre rất phấn khởi và trân trọng sự quan tâm, hỗ trợ, cũng như tâm huyết của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đối với sự phát triển chung của khu vực ĐBSCL - vùng đất rất mẫn cảm với sự thay đổi của tự nhiên. Trong bối cảnh ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là vấn đề ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Bến Tre và các tỉnh, thành trong khu vực tha thiết đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tích cực ủng hộ và sớm triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nội dung công việc đã được Thủ tướng chỉ đạo tại Nghị quyết 120. Khi đó, các tỉnh, thành trong khu vực sẽ có điều kiện phát huy tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh hiện có để phát triển đồng bộ, bền vững.

Bến Tre sẽ quán triệt sâu sắc tinh thần “giữ được đất, giữ được nước, giữ được con người” mà Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tại “Hội nghị Diên Hồng” vào quá trình quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tôi tin rằng, “ĐBSCL từ vùng trũng của giáo dục, khoa học công nghệ sẽ thành thung lũng ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp”. Trong tương lai, ĐBSCL sẽ trở thành một vùng đất trù phú, phát triển bền vững, với nền kinh tế xanh, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện tốt hơn. Bến Tre luôn tin tưởng, trong liên kết tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL giữa 4 địa phương: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long đã được thống nhất, vấn đề lợi ích riêng của từng địa phương được phân chia hợp lý trên cơ sở đảm bảo lợi ích chung của tiểu vùng… Khi đó, vấn đề hợp tác, liên kết phát triển giữa các tỉnh Duyên hải nói riêng, giữa các địa phương khu vực ĐBSCL nói chung sẽ hài hòa, hiệu quả và đảm bảo sự phát triển bền vững, có tính kế thừa lâu dài, không dừng lại theo nhiệm kỳ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi cùng lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL bên lề “Hội nghị Diên Hồng”. Ảnh: V.CỘNG

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL: Liên kết dựa trên quy luật hút- đẩy

Liên kết vùng ĐBSCL là yêu cầu khách quan nhằm khắc phục không gian kinh tế vùng bị chia cắt theo địa giới hành chính tỉnh. Qua đó, khai thác tiềm năng, lợi thế tốt hơn trong tổng thể phát triển kinh tế toàn vùng. Dựa trên quy luật lực hút - đẩy và vai trò TP Cần Thơ sẽ là hướng tâm để liên kết các địa phương có thế mạnh và lợi thế khác nhau nhằm phát triển kinh tế và ứng phó biến đổi khí hậu hiệu quả hơn. Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về phát triển TP Cần Thơ trở thành trung tâm và động lực phát triển vùng đã đóng góp nhất định phát triển tương tác giữa TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Cần Thơ nên tiếp tục tập trung sản xuất từ chiều rộng sang chiều sâu, duy trì phát triển kinh tế và cạnh tranh nông nghiệp, nâng cao thu nhập và tăng mức sống cho cư dân nông thôn, tăng cường quản lý tài nguyên bền vững, nhất là ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát triển bền vững ĐBSCL là cơ hội phát triển bền vững cho TP Cần Thơ. Để phát triển bền vững, TP Cần Thơ cần lưu tâm cách lồng ghép trong quy hoạch và kế hoạch phát triển. Phát triển mạng lưới liên kết Viện - Trường, TP Cần Thơ và các địa phương ĐBSCL được xem là cần thiết để tăng giá trị cho cây lúa và hàng hóa nông sản của vùng. Để liên kết giữa TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL hiệu quả thì các giá trị khoa học liên quan không gian kinh tế, trung tâm, ngoại vi, lan tỏa và nghiên cứu mang tính liên ngành giữa công nghệ sinh học, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cần đặt ra để giải quyết. Phát triển hướng tâm của TP Cần Thơ trong phát triển vùng ĐBSCL. Nâng cao năng lực chính quyền về tầm nhìn không gian kinh tế và ứng phó biến đổi khí hậu qua phát triển chính sách công và quản trị nhà nước của TP Cần Thơ là một trong các giải pháp quan trọng để định hướng phát triển hướng tâm của TP Cần Thơ đối với vùng ĐBSCL.

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung -  Đại học Cần Thơ: ĐBSCL trong tương lai sẽ là một nơi đáng sống

Nghị quyết 120 của Chính phủ đã xác định được đúng cái gốc của vấn đề là sự mẫn cảm với các thay đổi của tự nhiên, đặc biệt là tài nguyên nước của ĐBSCL. Một khi chúng ta xác định được đúng gốc của vấn đề thì mới có thể đề ra được chiến lược khắc phục và phát triển được căn cơ, bền vững và khả thi.

Nghị quyết đã khẳng định cần thay đổi tư duy phát triển từ nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng và chất lượng, tôn trọng quy luật tự nhiên và có đủ khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Nghị quyết đã nêu rõ đích đến của ĐBSCL (cho đến năm 2100) là một vùng đồng bằng phát triển trù phú có tính cạnh tranh cao, phát huy được tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên và thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến. ĐBSCL trong tương lai sẽ là một nơi đáng sống (lấy con người là trung tâm, phục vụ người dân) với bản sắc văn hóa đặc thù, môi trường sinh thái hài hòa và có khả năng chống chịu cao trước các biến động về điều kiện tự nhiên. Tầm nhìn này sẽ giúp thay đổi đáng kể cách mà chúng ta “tác động” vào ĐBSCL. Thay vì phát triển kinh tế bằng mọi giá thì chúng ta sẽ tìm những bước đi “ít hối tiếc” và “bền vững” hơn.

Nghị quyết cũng đã nêu rõ chủ trương đầu tư vào ĐBSCL phải được điều phối thống nhất đảm bảo tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình hợp lý. Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu. Trong đó, các tiểu vùng sinh thái (vùng đồng bằng ngập lũ, vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái nước lợ, nước mặn,...) sẽ là các đơn vị không gian quan trọng nhằm tận dụng triệt để lợi thế cạnh tranh của vùng. Đồng thời giảm được các biện pháp công trình đắt tiền, để thực hiện các giải pháp phi công trình có hiệu quả lâu dài ít tác động tiêu cực lên hệ sinh thái môi trường và chi phí thấp hơn. Trên cơ sở Nghị quyết 120, chúng ta cũng có thể xác lập danh mục các dự án cụ thể mà chúng ta ưu tiên hợp tác với các đối tác nước ngoài và có các chính sách hỗ trợ khi các đối tác đầu tư vào ĐBSCL.

Chia sẻ bài viết