18/08/2018 - 18:28

Phấn đấu đến năm 2020, cả nước có 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả 

(CT)- Ngày 18-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP và Quyết định 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020” (Đề án). Tại điểm cầu TP Cần Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam chủ trì.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, nhấn mạnh: Để đạt mục tiêu đến năm 2020 có trên 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, các bộ, ngành và các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, HTX và người dân về sự cần thiết thực hiện Đề án. Không chỉ vậy, từng bộ, ngành có liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao để xây dựng kế hoạch và chương trình hành động cho Đề án; đồng thời rà soát, bổ sung việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Các tỉnh, thành tập trung khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó quan tâm phát triển các HTX nông nghiệp kiểu mới theo mô hình chuỗi giá trị. Từ đó, từng bước gia tăng giá trị nông sản, tăng quy mô sản xuất hàng hóa nông sản theo nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), để thúc đẩy liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần củng cố và nâng chất hoạt động các HTX nông nghiệp. Đề án đã đặt mục tiêu là duy trì, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động cho hơn 4.400 HTX nông nghiệp đã được phân loại và đánh giá là có hiệu quả năm 2017. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp yếu, kém, phấn đấu có trên 5.400 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả (trong tổng số hơn 6.400 HTX nông nghiệp yếu, kém hiện nay) và tiến hành xử lý dứt điểm việc giải thể các HTX đã ngừng hoạt động.

Song song đó, Đề án chú trọng lựa chọn các ngành hàng chủ lực của quốc gia và địa phương để phát triển 5.200 HTX nông nghiệp kiểu mới, đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Theo đó, vùng ĐBSCL sẽ phát triển ưu thế trong sản xuất lúa gạo chất lượng cao; còn các khu vực khác sẽ dựa vào lợi thế và điều kiện để hình thành và phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái hay rau màu, hồ tiêu, cà phê… Trong giai đoạn 2018-2020, phấn đấu mỗi tỉnh, thành có sản xuất hàng nông sản, sẽ phát triển ít nhất 1 liên hiệp HTX nông nghiệp. Riêng các tỉnh, thành phố có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, sẽ phát triển ít nhất 30 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các địa phương còn lại sẽ có ít nhất 15 HTX nông nghiệp công nghệ cao… Phấn đấu đến năm 2020, cả nước sẽ có trên 1.500 HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng hơn 25% số HTX ứng dụng công nghệ tự động hóa, bán tự động, ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp…

M.HOA

Chia sẻ bài viết