02/09/2017 - 13:53

Những trang sách khơi niềm tự hào dân tộc 

Năm 2017, nhiều tác phẩm văn học khai thác đề tài cách mạng Việt Nam được xuất bản với nhiều thể loại: truyện ký, bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết… Nội dung phong phú, cách thể hiện đa dạng cùng cái nhìn nhân văn của các tác phẩm đã góp thêm niềm tự hào dân tộc đến các thế hệ độc giả. Sau đây là một số tác phẩm tiêu biểu. 

“Mật mã đặc khu” của nhà báo Phan Tùng Sơn viết về chân dung nhà hoạt động cách mạng Phan Kiệm

Đây là tập truyện ký do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh xuất bản, khắc họa cuộc đời, sự nghiệp của nhà cách mạng quá cố Phan Kiệm.

Từ khi rời khỏi quê nhà (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) tham gia hoạt động cách mạng đến khi được giao trọng trách tại Đặc khu Sài Gòn- Chợ Lớn, đồng chí Phan Kiệm đã bộc lộ nét khí khái, sự thông minh, tài thao lược và bản lĩnh của nhà lãnh đạo.

Ông góp phần xây dựng cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch, tổ chức phát triển nghệ thuật tác chiến đặc công, biệt động, lập nhiều chiến công vang dội.

Bị địch bắt và bị đày ra Côn Đảo rồi vượt ngục trở về, ông tiếp tục hoạt động cách mạng và nắm giữ những vị trí trọng yếu ở Trung ương Cục miền Nam cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Tập truyện ký với nhiều hình ảnh, tư liệu quí giá sẽ mang đến cho độc giả những câu chuyện gian lao mà anh dũng của một người sống và hoạt động trong lòng địch...     

Tập truyện ngắn “Chiến trường còn lại hai người” (NXB Văn học) của nhà văn Hữu Phương

Hữu Phương (tên thật là Hoàng Hữu Thê) là tác giả kỳ cựu, nổi tiếng với các tác phẩm viết về chiến tranh, đoạt nhiều giải thưởng văn học của Hội Nhà văn và Bộ Quốc phòng.

Trong tác phẩm mới nhất, 16 truyện ngắn của ông phản ánh về cuộc chiến đã qua với nhiều phát hiện, góc nhìn mới về con người hôm qua và hôm nay.

Ở đó, có thiện và ác, tốt và xấu, tình yêu và thù hận, nhớ và quên, cao thượng và thấp hèn, có công và có tội...

Cuộc chiến được phơi bày trên trang giấy vừa thể hiện rõ sự chính nghĩa của những người bảo vệ đất nước, vừa tinh tế, nhân văn.

Quan trọng nhất là chiến tranh trôi qua, tình người vẫn ở lại. Vì vậy, những câu chuyện có sức hút và để lại ấn tượng với người đọc.       

“Mùa chinh chiến ấy” của Đoàn Tuấn và “Lính Hà” của Nguyễn Ngọc Tiến; NXB Trẻ phát hành

Hai tác phẩm này đều được viết dưới dạng “Hồi ức chiến binh”, đều nói về cuộc chiến biên giới Tây Nam.

Ở “Mùa chinh chiến ấy”, Đoàn Tuấn đưa người đọc theo dấu chân tuổi 18 của nhân vật “tôi”- người lính Sư đoàn 307- đi tới tận những miền rừng núi heo hút xứ người để đẩy lùi và tiêu diệt tàn quân Khmer Đỏ.

Trên những cung đường đã qua, tác giả ghi lại từng cách ăn, nếp ở, hoạt động tác chiến, chặng đường hành quân, những phong tục tập quán của đất nước bạn và những mất mát, hy sinh của đồng đội trong chiến đấu…

Với “Lính Hà”, Nguyễn Ngọc Tiến chọn những chàng trai Hà Nội làm nhân vật trung tâm. Những người lính hiện lên chân thật, có sự hài hước, can trường và cũng tài hoa, mơ mộng, si tình.

Nhưng dù là ai, mang cá tính nào, đến từ nơi đâu thì họ vẫn luôn xả thân vì Tổ quốc, chiến đấu vì hòa bình, tự do…

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết