05/01/2018 - 14:10

Dạo phố Malaka 

Dòng sông thơ mộng chảy ngang thành phố cổ chia đôi bờ. Một bên là phố cổ của người Hoa di cư đến các đảo của Malaysia từ thời nhà Thanh. Bên còn lại là những kiến trúc mang dấu ấn thời thuộc địa của Bồ Đào Nha, Hà Lan từ nhiều thế kỷ trước. Malaka là điểm đến thú vị vào cuối tuần.

Thay vì ở chốn phồn hoa Kuala Lumpur (Malaysia) hay Singapore, chúng tôi tranh thủ đón xe buýt lên đường tới Malaka để hòa mình vào không gian đêm náo nhiệt trong lòng phố cổ. Thời gian di chuyển chỉ tương đương từ Sài Gòn về Cần Thơ. Ban ngày Malaka khá yên tĩnh và thưa xe qua lại. Di chuyển trên đường mà cứ ngỡ đang ở vùng ngoại ô xa lắm. Bởi lẽ thành phố cổ nhất đất nước này đã từng bị lãng quên suốt một thời gian dài sau thời vàng son là thương cảng sầm uất. Mãi đến năm 2008 khi được công nhận là di sản cùng với phố cổ George Town (Penang, Malaysia), thành phố bừng dậy!

Những chiếc trishaw vui mắt trước ngôi nhà thờ cổ được xây dựng vào cuối thế kỷ 18. Ảnh: THỤY DU

Ấn tượng nhất của Malaka là dòng sông uốn khúc chảy xuyên suốt qua thành phố. Đầu tuyến phố cổ là ngôi nhà thờ rất đặc trưng của kiến trúc cổ Công giáo trong công cuộc truyền đạo tới châu Á. Không ngoa khi gọi đó là sông Seine, mà Malaka là Paris của Malaysia. Lúc cao điểm, du thuyền tấp nập đưa khách đi dạo trên sông, ngắm những dãy nhà rêu phong, pháo đài cổ vững chắc, nhà thờ Đức Bà nhuộm vàng ánh nắng chiều hay những bức bích họa khổng lồ ở dãy nhà cuối phố cổ và cả trên tòa nhà cao tầng tiếp giáp với khu phố mới. Nắng nhẹ, dòng người bắt đầu đổ về quảng trường hồng- cách du khách gọi cho khu quảng trường trung tâm mang đậm kiến trúc Hà Lan. Cả khu vực này nhuộm một màu hồng thắm. Từ ngôi nhà thờ, ngọn tháp, bảo tàng… đều sơn một màu đỏ hồng đặc trưng của đất nước hoa tulip.

Sau người Bồ Đào Nha, người Hà Lan đến vùng đất này và để lại dấu ấn rõ rệt đến mức du khách tưởng chừng đang đứng giữa lòng Amsterdam. Cho tới khi vang lên âm thanh những bài hát từ những chiếc trishaw. Trishaw có dáng dấp và phát âm na ná với xích lô ở Việt Nam nhưng được trang hoàng sặc sỡ hình mèo hello kitty, búp bê barbie, siêu nhân, heo hồng hay hoa lá như xe rước dâu… Sau giá trị lịch sử, có lẽ trishaw là thông điệp du lịch truyền tải đến du khách đến từ khắp nơi trên thế giới về người Malaka thân thiện, hiếu khách. Du khách trả khoảng 20RM, tương đương hơn 120.000 đồng, cho hai người ngồi trishaw dạo mát từ khu quảng trường trung tâm quanh ngọn đồi Paul Hill. Lái xe là những người đàn ông khỏe mạnh, da ngăm đen với hàm râu quai nón đặc trưng. Trên đường đi, anh ta sẽ kể cho bạn nghe về lịch sử thành phố này và những di tích còn lại của Hà Lan trong thời gian chiếm đóng. Đồng thời, khuyên bạn nên dùng món ở quán nào có giá vừa phải hay mời thử những món ăn đặc trưng của người dân Malaysia…

Dạo chơi trên sông quanh phố cổ. Ảnh: THỤY DU

Chúng tôi chỉ đi nửa vòng xe rồi dừng lại trước cổng pháo đài cổ A’Famosa. Đây là một quần thể rộng lớn được người Bồ Đào Nha xây dựng vào năm 1551. Theo thời gian, hiện chỉ còn lại một cánh cổng và là kiến trúc châu Âu tồn tại lâu đời nhất trên đất châu Á. Từ đây đi ngược lên đồi là tàn tích nhà thờ Thánh Paul được  xây dựng trước pháo đài 30 năm. Nhà thờ hiện chỉ còn phần vách, những tấm bia đá lớn… và không còn nóc, nhưng vẫn toát lên vẻ uy nguy với tường bao bằng đá chắc chắn. Xung quanh nhà thờ nhìn ra bốn hướng ngắm toàn cảnh thành phố. Mới thấy vẻ đẹp Đông- Tây nằm hai bên bờ sông như một câu chuyện kể rất thật về lịch sử hình thành và phát triển Malaka. Người phương Tây, mà cụ thể là người Bồ Đào Nha tin rằng vùng đất này nối quốc gia của họ với Trung Quốc nên đã chiếm đóng để phát triển thương mại đường biển. Theo sau là người Hà Lan. Toàn bộ kiến trúc, văn hóa phương Tây nằm bên bờ Đông của dòng sông. Trong khi đó, người Trung Quốc xuôi thuyền xuống phương Nam đến Malaka lại phát triển các hiệu buôn, quán ăn ở bờ Tây dòng sông. Phố cổ được định vị từ đó.

Khi ánh đèn thắp sáng các nẻo đường chiếu lung linh trên mặt sông, cũng là lúc Malaka bừng dậy huyên náo và nhộn nhịp. Bên kia sông, đối diện quảng trường Hà Lan là phố xá nhộn nhịp với chợ đêm Jonker Walk của phố người Hoa. Vào cuối tuần, hàng quán xuống đường buôn bán tấp nập, chủ yếu là ẩm thực Malaysia, Trung Quốc, món Âu cùng với quà lưu niệm. Thức ăn giá mềm, tương đương khoảng 10.000-50.000 đồng/món. Tất cả mặt bằng nhà cửa ở phố này đều là những cửa hàng buôn bán, những hàng quán ẩm thực đặc trưng. Nếu bên kia là không gian phương Tây kiêu kỳ thì bên này là không gian phương Đông sầm uất, tấp nập. Người ta chen chân nhau xuống chợ đêm, nhộn nhịp tiếng chào mời, mua bán và cả tiếng nhạc xập xình. Một lần nữa, du khách chìm vào không gian khác ngay trong một ngày ở Malaka.

THỤY DU

Chia sẻ bài viết