13/08/2017 - 10:53

Chuyện ở biên giới Vĩnh Gia 

Bút ký: TRẦN SANG

Bao năm qua, hình ảnh những người chiến sĩ mang quân hàm xanh đã in đậm trong tâm trí nhân dân mọi nẻo đường biên giới Tây Nam của đất nước. Bằng những việc làm tận tụy, thiết thực; các anh đã nhân lên niềm tin, tô thắm tình quân dân, tình đoàn kết, hữu nghị với nước láng giềng ở miền biên cương Tổ quốc.

Có một Trạm xá quân dân y

Vĩnh Gia là một trong những xã vùng biên giới xa nhất của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, giáp với xã Tà Ô, quận Kirivong, tỉnh Tà Keo (Campuchia). Trạm xá quân dân y Vĩnh Gia là một trong 3 trạm xá quân dân y của tỉnh An Giang được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) An Giang xây dựng, nhằm mục đích cùng với Trạm y tế xã nơi miền biên giới đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong xã và các xã lân cận.

Đồn biên phòng Vĩnh Gia. Ảnh: TRẦN SANG

Trạm xá được xây dựng từ tháng 9-2009, chính thức hoạt động từ những ngày đầu năm 2010. Nhớ về những ngày đầu, Thiếu tá- Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Trạm trưởng Trạm xá quân dân y Vĩnh Gia chia sẻ: “Lúc đó, chúng tôi cũng còn bỡ ngỡ, bởi trước đó chỉ khám và điều trị bệnh cho chiến sĩ và chỉ huy của Đồn Biên phòng Vĩnh Gia, giờ mở rộng đến bà con nhân dân trong vùng, thú thật chưa quen trong quản lý, cũng như tổ chức khám và chữa bệnh cho đông người cùng lúc.  Dần dần mọi việc đi vào nề nếp, được bà con trong vùng tin tưởng”.

Hiện nay, Trạm xá quân dân y xã Vĩnh Gia khám và điều trị trung bình mỗi ngày khoảng 30- 50 bệnh nhân đến từ 4 xã Vĩnh Gia, Lạc Quới (huyện Tri Tôn), Vĩnh Phú (huyện Giang Thành- Kiên Giang) và xã Tà Ô (quận Kirivong, tỉnh Tà Keo, Campuchia), góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.

Thiếu tá- Bác sĩ Phạm Văn Dũng cho biết thêm: Cán bộ y tế của trạm xá còn lồng ghép nhiều nội dung tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và thành lập câu lạc bộ không sinh con thứ ba... Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức trong dân, loại bỏ dần chữa bệnh bằng phương thức mê tín dị đoan.

Trạm xá quân dân y xã Vĩnh Gia còn khám và chữa bệnh cho hàng trăm lượt người dân từ quận Kirivong nước bạn. Hoạt động này đã thắt chặt tình đoàn kết Việt Nam- Campuchia, góp phần giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị.

Từ 6 giờ sáng, trạm xá mở cửa đón bệnh nhân khám chữa bệnh. Trung tá- Y sĩ Trương Ngọc Khuê cho biết đa phần bà con tranh thủ đến khám bệnh để còn thời gian làm ruộng rẫy, nên Trạm xá đông bệnh nhân nhất vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối. Trạm xá chỉ có hai người, nên anh em thay phiên nhau trực từ 6 giờ sáng đến 21 giờ. Lịch là vậy, nhưng khi bệnh nhân kêu cửa 1-2 giờ khuya, Trạm xá vẫn phục vụ.

Bà Võ Thị Bi, 76 tuổi, ở Vĩnh Phú- Giang Thành- Kiên Giang cho biết: Các bác sĩ ở đây trị bệnh hay lắm, mau hết, lại nhiệt tình. Anh Đỗ Hồng Quang, người dân địa phương, chia sẻ: Các bác sĩ tận tình, trị bệnh hiệu quả. Bác sĩ còn hướng dẫn chúng tôi phòng ngừa bệnh, ăn uống hợp vệ sinh…  Có khi gặp cụ già, gia đình nghèo, bác sĩ trị bệnh và cho thuốc miễn phí. Hằng năm ít nhất Trạm xá tổ chức hai lần khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo trong vùng và ở xã Tà Ô, mỗi đợt từ 300-400 bệnh nhân.

Thượng tá Nguyễn Văn Đỡ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vĩnh Gia cho biết: “Cán bộ quân y Đồn Biên phòng Vĩnh Gia luôn đề cao y đức, giữ vững nét đẹp của người thầy thuốc mang quân hàm xanh, ngày càng được nhân dân tín nhiệm”.

Tổ Phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới

Tổ Phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới (sau đây gọi tắt là Tổ), do Hội Phụ nữ xã Vĩnh Gia phối hợp với Đồn Biên phòng thành lập từ năm 2013, có 10 thành viên.

Chị La Thị Trúc Linh, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Gia cho biết: “Định kỳ hằng tháng, Tổ phối hợp cùng Đồn Biên phòng tuần tra đường biên, cột mốc biên giới, giữ cảnh quan khu vực cột mốc, tuyên truyền pháp luật, thông tin tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội… giúp cán bộ, hội viên và nhân dân nâng cao kiến thức về chủ quyền, an ninh biên giới”. Trước khi Tổ hoạt động, Đồn Biên phòng tập huấn cho các thành viên về điều lệnh, cách sử dụng súng đơn giản… hỗ trợ một phần chi phí hoạt động.

Tổ cũng phối hợp với Đồn Biên phòng Vĩnh Gia tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền pháp luật, thu hút hàng ngàn lượt cán bộ, hội viên và quần chúng tham gia. Từ đó, nhân dân trong vùng nâng cao nhận thức về quy chế, quy định biên giới; kịp thời phát hiện, tố giác những hành vi, dấu hiệu làm sai lệch đường biên, cột mốc biên giới.

Thượng úy Chau Muol, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Vĩnh Gia cho biết: Tổ đã có những đóng góp thiết thực và quan trọng vào công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Qua đó, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên tuyến biên giới huyện Tri Tôn.

Sắp tới, Đồn Biên phòng Vĩnh Gia sẽ mời 68 hộ dân có đất canh tác ở sát đường biên giới, thành lập nhiều tổ bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới.

Nâng bước em đến trường

Hưởng ứng Chương trình “Nâng bước em tới trường” do Cục Chính trị BĐBP phát động từ tháng 9-2014, 13 đơn vị thuộc BĐBP tiết kiệm tiền lương, phụ cấp, tăng gia sản xuất, lao động gây quỹ, huy động tài trợ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… đã nhận đỡ đầu 26 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập, mỗi em 500.000 đồng/tháng. Trong đó Đồn Biên phòng Vĩnh Gia đỡ đầu 3 em tại địa phương và 2 em ở xã Tà Ô.

Cụ thể là trường hợp gia đình em Tống Thị Tuyết Hạnh, học sinh lớp 7, Trường THCS Vĩnh Gia, sống nương tựa ông ngoại già yếu. Từ năm học 2014- 2015, Tuyết Hạnh được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Gia nhận đỡ đầu với mức 500.000 đồng/tháng, ngoài ra còn lo sách vở và vận động mạnh thường quân tặng chiếc xe đạp cho em. Những khi gặp khó khăn đột xuất, Tuyết Hạnh đều nhận được sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất từ các chiến sĩ BĐBP Vĩnh Gia.

Tuyết Hạnh tâm sự: “Em muốn được đi học để trở thành cô giáo, rồi dạy học cho học trò nghèo quê em, để đền đáp ơn của các chú bộ đội”. Ông Nguyễn Văn Hoan, ông ngoại của Tuyết Hạnh, năm nay đã 78 tuổi, nói: “Nhờ các chú bộ đội mà hai ông cháu sống được qua ngày”.

Có đi về miền biên giới, nghe được những câu chuyện nhân dân nơi đây kể về người lính quân hàm xanh và trực tiếp chứng kiến những việc làm lặng lẽ của các anh chiến sĩ biên phòng; mới cảm nhận hết tình cảm “quân dân cá nước”, thấy hết ý nghĩ lớn lao của những hành động góp phần giữ từng tấc đất chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và tình hữu nghị vững bền với nước bạn Campuchia.

Chia sẻ bài viết