07/07/2012 - 20:20

Chùa Phước Thạnh và bộ tượng Phật bằng gỗ trăm năm tuổi

Theo đường bên phải ngọn rạch Cái Răng Bé hướng về Cái Chanh thuộc khu vực Thạnh Phú, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, có một ngôi chùa nhỏ nằm khiêm tốn trên khu đất vườn có diện tích gần 5.000m2. Bên trong chùa có một bộ tượng Phật bằng gỗ hàng trăm năm, do những nghệ nhân người Huế chạm trổ khéo léo, một di sản cổ vật quý giá cần được trân trọng bảo tồn.


Chùa Phước Thạnh (Phước Thạnh Tự) thuộc hệ phái Bắc tông, do ông Nguyễn Thành Nam người gốc ở An Giang khởi lập vào khoảng năm Mậu Ngọ 1858. Do bất mãn với bọn quan lại của triều đình phong kiến ở địa phương, cha của ông Nam đưa gia đình từ An Giang về ngọn rạch Cái Răng Bé thuộc làng Thường Thạnh sinh sống. Sau khi cha mất, ông Nam xây cất một cái am để thờ Phật và ẩn tu theo hệ phái cổ truyền. Lúc ban đầu am được xây cất đơn giản gồm một gian với hai chái bát dần, vách làm bằng ván, lợp mái lá và chưa đặt tên. Sau khi ông Nguyễn Thành Nam mất (21 tháng 7 năm 190? âm lịch), nơi đây gần như bị bỏ hoang.

 Điện thờ Di Đà Tam Tôn.

Khoảng năm 1908, ông Võ Văn Chơi (1889-1946) người gốc địa phận Lợi Thuận, tỉnh Mỹ Tho về đây sửa chữa am lại thành ngôi chùa để tu. Trong thời gian này, theo bảng tán dương công đức ghi nhận “...Chùa Phước Thạnh tán dương công đức của bà Huỳnh Thị Khuê (vợ ông Nguyễn Thành Nam) cúng dường đất; bà Võ Thị Phố (một điền chủ) ở thôn Như Lăng, tổng Định Phú, tỉnh Cần Thơ đã cúng dường 1.500đ (một ngàn năm trăm đồng) và cả đàn na thí chủ đã cúng dường công của để xây dựng và trùng tu ngôi Tam Bảo Phước Thạnh được như ngày nay...”. Đến năm Giáp Tý 1924 ngôi Chùa mới được khánh thành, lấy tên là Phước Thạnh Tự. Chùa được xây dựng theo lối chữ đinh với vật liệu kiên cố, vách bằng tường gạch, mái lợp ngói và đặt cổng chính về hướng Nam. Chùa Phước Thạnh thời điểm Hòa thượng Võ Văn Chơi trụ trì là thời hưng thịnh và tiếp nhận rất đông phật tử trong vùng, uy tín của chùa có ảnh hưởng rộng rãi khắp miền Tây và bản thân Hòa thượng cũng được cử vào trong Ban Tăng thống Phật giáo cổ truyền.

Tháng giêng năm 1946, Hòa thượng Võ Văn Chơi viên tịch, ông Bùi Văn Út (tục gọi là ông Thủ Tạ) tiếp tục trụ trì chùa được ba năm, năm 1949 ông Thủ Tạ cũng viên tịch. Ông Nguyễn Văn Ấn sinh năm 1905 (con ông Nguyễn Thành Nam) xuất gia - lấy pháp danh Thích Thiện Nghĩa và trụ trì Chùa cho đến ngày ông viên tịch 24 tháng 4 năm Giáp Dần 1974. Hòa thượng Thích Thiện Nghĩa cũng được cử nằm trong Ban nghi lễ Phật giáo cổ truyền miền Tây.

Ba tượng ở hàng thứ hai trong điện thờ.

Sau năm 1974, Chùa Phước Thạnh đã có nhiều chư tăng, ni đến tu nhưng không ai trụ trì lâu. Mãi đến ngày 12 tháng 6 năm 2000 (Canh Thìn), Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Cần Thơ có quyết định phân công Đại đức Nguyễn Bá Thiện - pháp danh Thích Lệ Đức người gốc Đồng Tháp vừa tốt nghiệp Cao đẳng Phật học khóa 1 tại Cần Thơ - về trụ trì.

Ngày đầu tiếp nhận chùa, Đại đức Thích Lệ Đức bắt tay ngay trùng tu sửa chữa và xây dựng lại chùa khang trang, điều chỉnh cổng chính theo hướng Đông Bắc. Chùa được xây theo kiểu kết cấu một hàng ngang (chữ Nhất) với ngôi chính điện nằm giữa 144m2 kiểu nhà “tứ tượng” thiết kế bằng các vì kèo tạo dáng vuông trên nóc, gian Đông lang 100m2 dùng làm hội trường và dược tự, gian Tây lang 100m2 dùng làm nơi tiếp khách và 100m2 làm nơi sinh hoạt của các chư tăng.

Theo Thượng tọa Thích Lệ Đức cho biết: nhiều phật tử, mạnh thường quân gần xa đã đóng góp cúng dường và quyên tiền mua thêm cho chùa 5ha đất. Chùa đang gấp rút tiến hành lập dự án xây dựng Học viện Phật giáo để đào tạo Tăng Ni sinh cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

***

Theo thầy trụ trì và các phật tử thì, chùa Phước Thạnh đến nay đã tròn 154 tuổi. Gắn liền với chiều dài lịch sử 154 năm, chùa đã có nhiều thay đổi, từ thuở ban đầu đơn sơ mái lá cùng với vài gia đình phật tử xung quanh đến nay đã thành ngôi chùa khang trang với hằng trăm phật tử khắp nơi.

Chùa nằm xa trung tâm thành phố, tuy nhiên bên trong chùa có một bộ di sản cổ vật vô cùng quý giá đó là bộ tượng Phật bằng gỗ gần 100 năm tuổi, được các nghệ nhân người Huế chạm trổ rất tinh xảo. Hiện nay chỉ còn lại 16 pho trong 34 pho tượng được làm từ trước năm 1924. Trong số tượng mất gồm pho tượng Phật Thích Ca cao 1,2 mét, 1 tượng Phật Đản Sanh cao 0,8 mét bị lính Pháp cướp đi và 16 pho tượng Phật La Hán. Số tượng còn lại được bài trí trang nghiêm tập trung ngay ngôi chính điện.

Gian thờ trung tâm là ba pho tượng Di Đà Tam Tôn (còn gọi là “Tây Phương Tam Thánh”) ngồi thiền trên bệ thờ cao nhất. Ở giữa là tượng A Di Đà, được tạc bằng gỗ giáng hương, bên trái là tượng Quan Thế Âm, bên phải là tượng Đại Thế Chí Bồ Tát được tạc bằng gỗ đỏ, mỗi tượng cao hơn 2 mét. Trong nhóm tượng này nổi bật nhất là tượng A Di Đà nặng gần 500kg - dáng ngồi thiền hai chân xếp bằng tròn, hai tay lật ngửa xếp chồng lên nhau đặt ở giữa trên hai chân trong tư thế ung dung thoải mái nhưng rất đỉnh đạc oai nghiêm, gương mặt bình thản với hai mắt nhắm nghiền an lạc, mỉm miệng cười từ bi hỷ xả.

Hàng thứ hai, được xếp ba tượng cùng nhóm gỗ đỏ, mỗi tượng cao 1 mét: ở giữa tượng Bồ Tát Địa Tạng, ngồi bắt ấn trấn uy nghi trên lưng Kỳ Lân. Điểm nổi bật của tượng là con Kỳ Lân đuôi vẫy cao lên phía sau đường nét chạm trổ mượt mà, đầu hơi ngước lên về phía bên trái với vẻ mặt thuần phục; bên trái tượng La hán phục hổ, ngồi chân phải đạp trên lưng hổ, tay trái nắm chặt vung cao, tay phải nắm vòng Kim Cang đưa ngang trước ngực. Nét độc đáo của tượng này nằm ở thế hổ phục hai chân trước, hai chân sau nhóng lên vẫy đuôi cao phía sau, đầu hổ khẻ nghiêng về bên trái, vảnh hai tai, hả miệng, mắt mở to nhìn chủ vâng mệnh; bên phải tượng La hán Hàng Long uy nghi ngồi trên con rồng, chân trái đạp trên lưng rồng, mặt hơi ngước lên nhìn thẳng, tay phải nắm trái trân châu giơ cao, tay trái bắt ấn trỏ đưa ngang trước ngực, đầu rồng ngẩng lên, mắt nhìn chủ, ba nét lông đầu rồng rủ xuống tạo dáng quy phục...

Hàng thứ ba, có bốn tượng bằng gỗ mun cùng với các tượng khác. Bên trái và bên phải có tượng ông Thiện và ông Ác đứng trang nghiêm - cao 1,4 mét. Ông Thiện được đặc tả với đôi lông mày cong tạo gương mặt thánh thiện, ông Ác đặc tả đôi lông mày xếch tạo gương mặt oai phong... Nét đẹp đặc trưng của hai tượng này ở những đường nét thẳng, cong, uốn lượn rất mềm mại của bộ trang phục, đặc biệt hai nhánh vân mây cách điệu hai bên đầu tượng thật tuyệt vời... Ở giữa tượng là Ngọc Hoàng và tượng Diêm Vương trong tư thế ngồi trên ngai - cao 1 mét, với đường nét chạm trổ điêu luyện, riêng tượng Diêm Vương ngồi với phong thái oai nghiêm tay trái cầm cuốn sách tử, tay phải nâng bút lông rất sống động.

Hai gian bên, trái đặt tượng ông Hộ Pháp, phải tượng ông Tiêu Diện đứng cao 1,6 mét (hai tượng này có những nét giống hai tượng ông Thiện và ông Ác), bên vách phải treo long vị vua Tự Đức cũng được chạm trổ rất chi tiết; phía sau, trong lồng kính to một pho tượng Phật Chuẩn Đề 18 tay cưỡi trên lưng chim Khổng Tước, tính từ bục đến đỉnh hai tay tượng cao hơn 1,8 mét, mỗi bên 9 tay, mỗi tay cầm một loại khí cụ. Hai bàn tay trên hết chấp kiến ấn chuẩn đề, như lúc thuyết pháp; Hai tay thứ hai, bên phải cầm cái Thúy Vô úy, bên trái cầm lá phướn Như ý; Hai tay thứ ba, bên phải cầm thanh gươm, bên trái cầm bông sen; Hai tay thứ tư, bên phải cầm xâu chuỗi Ny ma Bửu châu, tay trái cầm bình nước; Hai tay thứ năm, bên phải cầm trái La ca quả, bên trái cầm vòng kim cang; Hai tay thứ sáu, bên phải cầm cây búa, bên trái cầm bánh xa luân; Hai tay thứ bảy, bên phải cầm thiết câu, bên trái cầm Pháp loa; Hai tay thứ tám, bên phải cầm chày Kim Cang, bên trái cầm bình Như Ý; Hai tay thứ chín, bên phải cầm xâu chuỗi dài, bên trái cầm cuốn Kinh Bát nhã Ba La Mật.

Bên gian trai đường có một bàn thờ đối diện cửa hông chùa đặt tượng Giám Trai Sứ Giả ngồi, chiều cao 0,7 mét. Mặc dù tượng này nhỏ hơn so với nhiều tượng khác, cách bố cục và đường nét chạm trổ cũng không nhiều chi tiết, nhưng tác giả đã thể hiện được một con người không màng đến danh lợi, tự nguyện suốt đời ở trong nhà bếp của chùa chỉ để bửa củi, nấu cơm cho chúng tăng. Trong tư thế ngồi dáng tượng rất khắc khổ, tay trái xếp thế thiền đặt trước ngực, tay phải tì trên cán cây búa dựng thẳng trước mặt, quần vận lưng, mình cởi trần nổi bật bộ xương sườn, gương mặt xương má lõm sâu thanh thoát tự toại, nhưng lại có đôi mắt sáng quắc nhìn thẳng về phía trước, khước từ bỏ mọi tham - sân - si.

Nhìn chung, 16 pho tượng Phật và long vị vua Tự Đức bằng gỗ quý còn lại của chùa Phước Thạnh với kích cỡ khác nhau, nhiều tư thế ngồi đứng khác nhau, những đường nét đặc tả sinh động, toát lên cái hồn sống động thể hiện được tính cách riêng biệt từng nhân vật. Có thể nói trình độ của các nghệ nhân, tác giả của các pho tượng này rất cao cách bố cục về tỷ lệ người, các tư thế đều khá chuẩn và đường nét sắc xảo. Các pho tượng cổ chùa Phước Thạnh là một công trình điêu khắc gỗ tuyệt mỹ, một di sản văn hóa Phật giáo hiếm có cần được quan tâm gìn giữ bảo tồn.

Bài, ảnh: TRẦN QUỐC LƯƠNG

Chia sẻ bài viết