07/01/2017 - 16:07

Bàn thờ Bác Hồ trong các đình, chùa vùng Thất Sơn

Trong chiến tranh, bà con vùng Bảy Núi vẫn luôn tin vào sức mạnh dân tộc, sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ trong cuộc cách mạng giải phóng đất nước. Một trong những minh chứng cụ thể nhất là bàn thờ Bác được lập ở chính điện đình, chùa. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng nhiều ngôi đình, chùa ở Bảy Núi là nơi đầu tiên lập bàn thờ Bác, cả trong giai đoạn trước và sau ngày giải phóng.

Tưởng nhớ Bác giữa vòng vây của giặc

Khi Bác qua đời, người dân ở Bảy Núi- cũng như cả Nam bộ- đều mong muốn lập bàn thờ để thờ Bác. Tuy nhiên, nơi đây, từ năm 1968 về sau trở thành vùng chiến địa- nơi địch tập trung binh lực, hỏa lực để tiêu diệt lực lượng cách mạng. Thời gian này, việc thờ Bác Hồ công khai chỉ hạn chế trong vùng căn cứ cách mạng, còn bà con bên ngoài thì chỉ có thể ngưỡng vọng trong lòng. "Từ năm 1968 về sau, địch kiểm soát toàn vùng Bảy Núi ghê gớm. Chúng lùng sục tối ngày. Các hoạt động tuyên truyền của ta rất khó. Chuyện lập bàn thờ Bác càng không thể. Ngày Bác mất, anh em chiến sĩ và người dân ở Bảy Núi buồn lắm. Nhiều cán bộ lập bàn thờ Bác trong hang nơi đóng quân. Còn phía bên ngoài bà con buồn nhưng chẳng thể làm gì, chỉ có thể khóc", Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lê Thành Cư, người chỉ huy trận chiến 128 ngày đêm đồi Tức Dụp, kể lại.

 Bàn thờ Bác Hồ trong chùa Linh Sơn ở núi Nước, Tri Tôn, An Giang.

Đối với đồng bào Khmer ở Bảy Núi, các vị chức sắc, sư sãi, à cha, gia đình tham gia cách mạng thì hình bóng Bác hiện diện trên "bàn thờ vọng" ở những ngôi chùa cổ kính, uy nghi nằm xa ngoài đồng, bao phủ dưới tán cây rừng hẻo lánh. Vì đó là nơi địch khó kiểm soát, ít lui tới. Anh Chau Mo Ni Sóc Kha (55 tuổi, Hiệu trưởng trường Cấp 2 Dân tộc Nội trú Tri Tôn) kể lại: Cha tôi từng tu học ở trong chùa và ông thường kể lại rằng, thời đó Mỹ ngụy kiểm soát gắt gao các hoạt động thờ cúng ở đình chùa, để ngăn ngừa tinh thần ủng hộ cách mạng của các sư sãi, à cha và phật tử. Nhưng với niềm tin vào Bác Hồ và cách mạng, dù bị kiểm soát, bàn thờ Bác Hồ vẫn được lập bí mật trong các ngôi chùa nằm giữa đồng mà địch ít lui tới, như chùa Svaydoncum (còn gọi chùa B52, thuộc xã An Tức, Tri Tôn), chùa Rô (Ô Lâm, Tri Tôn)... Nhằm tránh tai mắt kẻ thù, các sư sãi, à cha và bà con Khmer chỉ lập bàn thờ vọng, không để di ảnh Bác. Hằng ngày vẫn thắp nhang tưởng nhớ.

Tâm tưởng về Bác đã đồng hành cùng các phong trào đấu tranh của các vị chức sắc, sư sãi, à cha Phật giáo Nam tông Khmer ở Bảy Núi qua nhiều cuộc biểu tình phản đối địch bình định nông thôn, lập ấp chiến lược, bắt bớ, đốt phá chùa chiền... Niềm yêu kính Bác Hồ đã đồng hành cùng những tấm gương anh dũng ở vùng Bảy Núi như cô Ba Danh dẫn dắt chị em đồng bào dân tộc Khmer đấu tranh chống giặc trong giai đoạn 1970- 1973; nữ Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Néang Nghét bị địch tra tấn vẫn không đầu hàng.

Bàn thờ và di ảnh sau ngày giải phóng

Ngày giải phóng, một trong những việc đầu tiên người dân Bảy Núi làm là lập bàn thờ Bác, cùng với quá trình xây dựng lại đình, chùa, miếu bị tàn phá bởi chiến tranh. Nếu trước đây người ta "thờ vọng"- bàn thờ chỉ có lư hương, nhang khói- thì trong những ngày độc lập, di ảnh Bác được đặt trang trọng trên bàn thờ bằng tất cả cảm xúc và niềm hạnh phúc của ngày chiến thắng.

Ở Bảy Núi, nếu không tính thời gian trước giải phóng, từ năm 1975 đã có nhiều đình, chùa... lập bàn thờ Bác. Những di ảnh còn lưu lại đến ngày nay minh chứng cho sự nối truyền tâm tưởng về Bác. Tiêu biểu là ảnh thờ trắng- đen đã lốm đốm bạc màu thời gian, được đặt trang trọng trên bàn thờ ở chính điện đình Cây Me (Châu Lăng, Tri Tôn). Ông Trần Văn Hoài (nay đã 70 tuổi), Ban Quý tế đình Cây Me cho biết: Di ảnh là kỷ vật quý của đình, bởi tấm hình trắng đen này được người dân xã Châu Lăng đem lại đình đặt trên bàn thờ ngay những ngày đầu giải phóng. Ngày đặt di ảnh Bác trên bàn thờ trong đình, bà con đến đây đều khóc. Bởi vì mười mấy năm rồi từ ngày Bác ra đi, người dân đều nghe đều biết, nhưng chưa ai được nhìn ảnh vị lãnh tụ của dân tộc.

Bà con tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa ở Ba Chúc (Tri Tôn) cũng có tâm trạng như thế khi đặt di ảnh Bác trên bàn thờ phía Đông Lang của ngôi Tam Bửu điện. Cô Sáu (57 tuổi), người thủ từ hương khói Tam Bửu điện, cho biết: "Di ảnh và bàn thờ Bác Hồ đặt ở Đông Lang có từ ngày đầu sau giải phóng. Di ảnh này do một tín đồ của đạo tham gia kháng chiến đem về thờ. Từ đó đến nay đã hơn 40 năm, hàng ngày vẫn hai thời nhang khói".

Tư tưởng, tấm lòng yêu nước thương dân và tấm gương đạo đức của Bác Hồ có sự tương đồng, gần gũi với giá trị đạo đức truyền thống và đạo đức tôn giáo. Với tâm thức đó, nhiều ngôi đình, chùa ở Bảy Núi nói riêng và An Giang nói chung, trong khoảng 20 năm gần đây đã lập bàn thờ Bác một cách phổ quát. Trụ trì Chau Kim Sa, chùa Phnom Pi Lơ (chùa Nam Vi Trên, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) cho biết: "Bàn thờ Bác Hồ được lập ở chùa hơn 5 năm nay. Hồi trước thờ bức ảnh nhỏ, sau này nhận được một bức ảnh lớn nên đặt ngay chính điện; bàn thờ cũng rộng hơn".

Còn ở chùa Thới Sơn, huyện Tịnh Biên- trung tâm của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do Ông Đạo Đoàn Minh Huyên (còn gọi Phật Thầy Tây An) sáng lập- hình tượng Bác Hồ, bàn thờ Bác Hồ được đặt trang trọng ngay chính điện, với bàn thờ cao được cẩn khảm xà cừ, hoa văn rất đẹp. Ông Nguyễn Văn Sáu (73 tuổi), Quản tự chùa Thới Sơn cho biết: "Bàn thờ Bác Hồ được lập hơn mười năm. Đạo đức của Bác Hồ ai cũng thấu hiểu. Bác sống cả đời vì dân tộc".

Những bàn thờ Bác đặt nơi linh thiêng mà chúng tôi có dịp ngưỡng vọng, hoặc câu chuyện lịch sử về những bức di ảnh, hay tâm tưởng của các bậc tu hành và bà con nhân dân ở Bảy Núi về Bác; đã giúp chúng tôi nhận ra rằng, đạo đức truyền thống, đạo đức tôn giáo, tư tưởng đạo đức của Bác có sự đồng điệu. Bởi tất cả cùng đề cao lòng yêu thương con người, hy sinh vì con người.

Liêu Ngọc Ân

Chia sẻ bài viết