20/06/2008 - 21:45

Xuất khẩu da giày gặp khó

Sản xuất giày xuất khẩu. 

5 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày ước đạt 1,748 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2007. Tuy nhiên, so với kế hoạch cả năm, ngành da giày chỉ mới thực hiện được gần 40%. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) vừa thông báo sẽ bãi bỏ Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đối với mặt hàng da giày Việt Nam xuất sang thị trường này kể từ ngày 1-1-2009. Hiện EU là thị trường tiêu thụ giày dép lớn nhất của chúng ta với giá trị xuất khẩu năm 2007 gần 2,2 tỉ USD, chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam. Do đó, động thái mới của EU sẽ là thách thức rất lớn đối với tương lai ngành da giày Việt Nam sau khi mặt hàng này bị áp thuế chống bán phá giá hồi năm 2006.

Tuy việc áp thuế chống bán phá giá sẽ hết hiệu lực vào tháng 10 tới, với khả năng mức thuế trung bình giảm còn khoảng 8% từ mức 10%, nhưng không có GSP, thuế suất của những mặt hàng được hưởng ưu đãi trước đây sẽ tăng từ 3%-5% lên trên 8%. Theo tính toán của các doanh nghiệp, mức thuế mới sẽ làm ngành da giày thiệt hại khoảng 110 triệu USD/năm. Quan trọng hơn, Việt Nam có thể mất lợi thế cạnh tranh về giá các sản phẩm da giày so với các nước khác trong khu vực khi xuất sang EU. Điều này khiến các doanh nghiệp nhỏ, vốn chủ yếu thực hiện gia công theo yêu cầu của khách hàng nước ngoài, gặp nhiều khó khăn vì khách hàng có thể chuyển hợp đồng cho một số nước có lợi thế về GSP như Indonesia hay Bangladesh. Là nước xuất khẩu da giày lớn thứ tư thế giới (sau Trung Quốc, Brazil và Indonesia) nhưng hiện 80% sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam là gia công, do đó thiệt hại sẽ rất lớn nếu các khách hàng nước ngoài rút lui.

Ngoài ra, từ tháng 12-2008, tất cả các mặt hàng dệt may và giày dép của các nước xuất sang thị trường EU bắt buộc phải có giấy chứng nhận đăng ký, đánh giá, cấp phép và giới hạn về các loại hóa chất (REACH). Sau ngày 1-7-2009, các mặt hàng dệt may và giày dép sẽ không được phép vào EU nếu không có REACH.

Tuy nhiên, ngành da giày Việt Nam vẫn còn cơ hội tăng trưởng tại thị trường EU. Theo thống kê, nhập khẩu giày dép từ Việt Nam giai đoạn 2004-2006 chiếm tới 19,9% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của EU. Do đó, giày dép xuất khẩu của Việt Nam được đánh giá là có sức cạnh tranh tốt nên không cần hưởng GSP. Thực tế từ Trung Quốc cho thấy sau khi không còn hưởng GSP của EU giai đoạn 2004-2006, ngành da giày nước này vẫn tăng trưởng cao. Đối với Việt Nam, xuất khẩu giày dép và dệt may vào Mỹ, thị trường lớn thứ hai của ngành da giày, cũng tiếp tục tăng ngay cả khi không còn được hưởng cơ chế GSP của nước này. Năm ngoái, xuất khẩu giày dép vào Mỹ đạt 995 triệu USD, tăng 30% so với năm 2006.

N.MINH

Chia sẻ bài viết