29/04/2016 - 20:36

KỶ NIỆM 41 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 – 30/4/2016)

XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN CỦA DÂN, DO DÂN VÀ VÌ DÂN

Bài 1: Ra sức bảo vệ và xây dựng chính quyền

 

 

Bài cuối: Phát huy truyền thống, một lòng phụng sự Tổ quốc, nhân dân

41 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể thành phố luôn nỗ lực xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong đó, chú trọng phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, ra sức xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân.

Nghe dân nói – Làm dân tin

Tuyến đường bê tông quanh sân bóng An Bình thuộc phường An Bình, quận Ninh Kiều được xây dựng kiên cố từ hơn 2 năm qua. Công trình có chiều dài 432m, bề mặt rộng từ 4- 6m, với tổng trị giá trên 380 triệu đồng do bà con nhân dân đóng góp xây dựng. Cùng đi tham quan tuyến đường, chú Trần Văn Hai (86 tuổi), người dân cố cựu ở khu vực 1, bộc bạch: "Từ khi công trình đưa vào sử dụng, hơn 45 hộ dân sống ven tuyến đường và bà con khu vực 1 rất phấn khởi vì không còn phải chịu cảnh lầy lội, mỗi khi mùa mưa về hoặc triều cường dâng cao". Theo đồng chí Trương Hoàng Oanh, Trưởng Khối Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, trong mỗi lần "Sinh hoạt dân chủ ra dân", bà con rất bức xúc yêu cầu chính quyền đầu tư xây dựng tuyến đường dân sinh quanh sân bóng. Nhưng qua phân tích, bà con hiểu và thông cảm khi ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp nên tình nguyện đóng góp chi phí xây dựng tuyến đường.

Đô thị Cần Thơ phát triển qua 41 năm sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Q.THÁI 

Đây chỉ là một trong nhiều công trình dân sinh thiết thực đáp ứng nguyện vọng của người dân từ khi Đảng ủy – UBND phường triển khai mô hình "Sinh hoạt dân chủ ra dân". Mô hình được thực hiện từ cuối năm 1996, với tên gọi: "Sinh hoạt chính trị ra dân", đến năm 2008 được nhân rộng toàn quận và đổi tên thành mô hình "Sinh hoạt dân chủ ra dân". Thông qua các buổi sinh hoạt, các cấp ủy, chính quyền phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho nhân dân hiểu; đồng thời ghi nhận những vấn đề mà nhân dân góp ý, bức xúc kiến nghị ở mọi lĩnh vực, từ đó có biện pháp giải quyết, tháo gỡ kịp thời. Chủ tịch UBND phường Nguyễn Ngọc Nuôi dành thời gian tham gia gần như đầy đủ các buổi sinh hoạt và đôi lúc anh cũng gặp áp lực khi bà con quá bức xúc chuyện cầu, đường xuống cấp, kênh rạch bị ô nhiễm, an ninh trật tự không đảm bảo… mà đâu phải vấn đề nào phường cũng xử lý rốt ráo được… Sau mỗi lần sinh hoạt, Đảng ủy- UBND phường đều bàn bạc, cố gắng giải quyết những vấn đề nhân dân phản ánh trong phạm vi quản lý của phường. Như chuyện xây dựng cầu, đường giao thông, Đảng ủy-UBND phường xác định phải đẩy mạnh xã hội hóa chứ không trông chờ vào sự hỗ trợ của quận. Mỗi năm, phường vận động từ 200 đến 300 triệu đồng nâng cấp hẻm, cầu, đường giao thông; vận động người dân hiến đất mở rộng các tuyến đường nội thị; tham gia nạo vét các kênh rạch bị ô nhiễm, khai thông dòng chảy. Theo đồng chí Lê Văn Đầy, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Ninh Kiều, từ năm 2012 Quận ủy, UBND quận đã thiết lập nhiều kênh tiếp nhận ý kiến người dân, như: Tổ chức đối thoại với nhân dân, cán bộ, đảng viên; Chính quyền đối thoại với 1089 tổ trưởng tổ nhân dân tự quản; đối thoại với đoàn viên thanh niên về văn minh đô thị; UBND quận đối thoại với nhân dân về cải cách hành chính. Qua đó, hoạt động của hệ thống chính trị, trong đó có bộ máy chính quyền ngày càng hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của thành phố.

Một trong những thành tựu của thành phố trong 41 năm qua là đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ thành phố đến cơ sở có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu chuẩn chất lượng theo quy định. Trong đó, cùng với sự quan tâm chăm bồi, giáo dục của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, nhiều cán bộ, công chức, viên chức ra sức phấn đấu học tập và rèn luyện, nêu cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, tận tụy phục vụ nhân dân. Thượng úy Trần Hoàng Triệu, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an TP Cần Thơ chia sẻ, để nhận được sự tin yêu của quần chúng, mỗi chiến sĩ Công an nhân dân (CAND) phải tự rèn luyện, xây dựng nếp sống văn hóa ứng xử trong công tác và trong đời sống sinh hoạt. Với phương châm "Mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân", trong những năm qua, tuổi trẻ Công an thành phố đã phát động thực hiện nhiều hoạt động, phong trào ý nghĩa, giàu tính nhân văn như: Đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách, địa chỉ nhân đạo, giáo dục và cảm hóa thanh niên chậm tiến; xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, quyên góp hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Các mô hình "Một cửa liên thông", "Một cửa liên thông ứng dụng công nghệ thông tin" được chính quyền các cấp triển khai nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Hệ thống Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đổi mới cách thức hoạt động theo hướng gần dân, bám sát cơ sở, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng, vấn đề bức xúc của nhân dân để cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết. Qua đó, ngày càng củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền.

Phát huy vai trò chủ thể nhân dân

Cán bộ, chiến sĩ  Công an TP Cần Thơ đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng
ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy. 

Qua hơn 30 năm đổi mới (1986 – 2015), TP Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Từ một nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, đến năm 2015 GDP bình quân đầu người đạt trên 79 triệu đồng; tổng sản phẩm trên địa bàn đạt trên 78.000 tỉ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2010. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân trên 10%/năm; giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp bình quân mỗi năm tăng 3,7% (giai đoạn 2011 – 2015), giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích đất đạt gần 110 triệu đồng. Đặc biệt, diện mạo đô thị, cơ sở hạ tầng ở các huyện ngoại thành ngày càng khang trang, hiện đại; hệ thống giao thông, điện, đường, trường trạm, nhà văn hóa, mạng lưới điện – nước sinh hoạt được quan tâm đầu tư gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bài học từ những thành tựu nổi bật là các cấp ủy đảng, chính quyền nắm vững tình hình thực tiễn địa phương, bám sát cơ sở, gần gũi với dân, thực sự tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của dân, đồng thời biết dựa vào dân để giải quyết những phát sinh từ cuộc sống đặt ra.

Đồng chí Tống Văn Nhịn, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ cho rằng, xây dựng quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân mà then chốt là xây dựng đội ngũ cán bộ biết vận động, thuyết phục nhân dân chính là điều cốt yếu, qua đó phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tham gia đóng góp vào sự phát triển toàn diện của thành phố. Từ thực tiễn đó, năm 2004, thành phố đã phát động mô hình "Dân vận khéo" nhằm phát huy khối đại đoàn kết toàn dân. 11 năm qua, các cấp, các ngành, địa phương đã đăng ký xây dựng 9.654 mô hình "Dân vận khéo". Tiêu biểu như các mô hình "Tết Quân dân", "Công an lắng nghe ý kiến nhân dân", xây dựng nhà Đại đoàn kết và làm đường giao thông, vận động nhân dân chuyển đổi vật nuôi – cây trồng…

Nhờ huy động sức dân, nhiều năm qua, hệ thống giao thông liên ấp ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ được đầu tư xây dựng liên hoàn. Chủ tịch UBND xã Trung Hưng Nguyễn Đức Huy cho biết, từ năm 2009 đến nay, xã đã vận động xây dựng gần 13.000m đường bê tông, hàng chục cầu giao thông lớn nhỏ, góp phần tạo nền tảng quan trọng giúp xã sớm đạt tiêu chí xã nông thôn mới trong năm 2016. Điển hình là công trình cầu Trung Hưng 2 bắc ngang kênh xáng Thốt Nốt, nối liền 2 ấp Thạnh Hưng 1 và Thạnh Trung, với tổng chi phí vận động nhân dân đóng góp xây dựng trên 1,4 tỉ đồng.

Cuối năm 2008, xã Tân Thạnh (huyện Thới Lai) được thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Thới Thạnh. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đỗ Kim Khang nhớ lại khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, xã chỉ đạt 1 tiêu chí, đến nay xã đã đạt 16/20 tiêu chí nông thôn mới. Theo ông Khang, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền xã mới thành lập là chăm lo, hỗ trợ nhân dân sản xuất. Trong đó, tập trung cải tạo vườn tạp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, lựa chọn giống lúa chất lượng cao. Đến nay, toàn xã đã xây dựng 29 tổ hợp tác kinh tế, bước đầu giúp người dân làm quen với mô hình kinh tế hợp tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào đồng ruộng. Ông Huỳnh An Phú, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thạnh cho biết: "Chỉ tính riêng 2 tổ hợp tác hiệu quả là tổ hợp tác làm vườn Thành Tiến và sản xuất 2 vụ lúa – 1 vụ màu có 52 thành viên, với tổng diện tích 56,8 ha. Trong đó, có nhiều hộ thu lợi mỗi năm trên 100 triệu đồng; 4 hộ từng thuộc diện hộ nghèo được tổ hợp tác hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình nay đã vươn lên khấm khá". Được sự hỗ trợ của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, xã triển khai mô hình "Cánh đồng lúa 4 tốt"; giới thiệu nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, mua cây giống được huyện hỗ trợ 60% chi phí… Những việc làm cụ thể, thiết thực trên phần nào giúp nhân dân tin tưởng, đồng lòng cùng Đảng bộ, chính quyền xây dựng quê hương phát triển.

*

* *

Quyền làm chủ của nhân dân còn được thể hiện qua việc nhân dân tham gia trực tiếp bầu chọn ra những đại biểu Quốc hội 13 khóa và đại biểu HĐND các cấp – những đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Ông Nguyễn Văn Hơn, nguyên Ủy viên Thư ký Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hậu Giang (cũ) ghi nhận việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021; lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và đơn vị công tác đúng hướng dẫn đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử; bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử. Hay như Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng đã được Bộ Chính trị công bố toàn dân nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp tâm huyết, quý báu của mọi tầng lớp nhân dân, từ đó đề ra phương hướng phát triển mạnh mẽ cho đất nước trong thời gian tới phần nào cho thấy Đảng, Nhà nước luôn chú trọng phát huy quyền làm chủ, trí tuệ của nhân dân. Thực tiễn cho thấy, để huy động được sức mạnh và trí tuệ của toàn dân đóng góp cho sự nghiệp đổi mới đất nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trước hết phải thực hiện cho được quan điểm "Dân là gốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết