Người phụ trách các biện pháp khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Mike Ryan ngày 13-2 cho biết số ca nhiễm dịch COVID-19 bên ngoài Trung Quốc không tăng đến mức “thảm họa”, trừ trên du thuyền Diamond Princess (ảnh), đang được cách ly tại cảng Yokohama của Nhật Bản.

Ảnh: THX
Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Ryan cho biết: “Ngoài các trường hợp trên du thuyền Diamond Princess, chúng tôi không thấy sự gia tăng đến mức thảm họa số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc”. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng một nhóm chuyên gia đặc biệt của WHO sẽ đến Trung Quốc trong tuần này để hỗ trợ chống dịch.
Tính đến sáng 14-2, trên thế giới có 64.171 người mắc COVID-19, 1.486 người tử vong, trong đó Trung Quốc đại lục 1.483 người, Philippines 1 người, Hong Kong 1 người và Nhật Bản 1 người.
►Huyết tương người khỏi bệnh có kháng thể giúp điều trị
Theo Tân Hoa xã, Giám đốc Bệnh viện Kim Ngân Đàm tại thành phố Vũ Hán, ông Trương Định Vũ ngày 13-2 kêu gọi các bệnh nhân nhiễm dịch COVID-19 đã khỏi bệnh hoàn toàn hãy hiến huyết tương cho các bệnh viện vì trong huyết tương này có những kháng thể có thể chống lại virus Corona chủng mới.
Theo chuyên gia trên, các kết quả sơ bộ cho thấy tính hiệu quả của việc sử dụng huyết tương người khỏi bệnh trong việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV. Bệnh viện Kim Ngân Đàm là một trong những nơi được chỉ định để tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại thành phố “tâm dịch” Vũ Hán.
Theo giới chuyên gia, hầu hết bệnh nhân sau khi khỏi bệnh sẽ sinh ra các kháng thể đặc hiệu chống lại nCoV, có thể tiêu diệt và loại bỏ virus. Trong điều kiện chưa tìm ra vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, việc sử dụng huyết tương của những người đã khỏi bệnh có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.
►Tin giả làm dịch bệnh diễn biến tệ hại hơn
Theo một nghiên cứu được công bố ngày 14-2, sự gia tăng “tin giả”, bao gồm các thông tin sai sự thật và những lời khuyên giả mạo trên mạng xã hội, có thể khiến dịch bệnh như dịch COVID-19 hiện nay trở nên tồi tệ hơn.
Trong nghiên cứu về việc lan truyền tin giả mạo gây ảnh hưởng như thế nào đến sự lây lan dịch bệnh, các nhà khoa học tại Đại học Đông Anglia (Anh) cho biết mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn chia sẻ tin giả đều có thể giúp cứu được mạng người. Người đứng đầu nghiên cứu trên, Giáo sư y học Paul Hunter, nhận định: “Trong trường hợp dịch COVID-19, đã xuất hiện rất nhiều tin đồn, tin giả và thông tin sai được lan truyền trên mạng Internet về nguồn gốc virus, nguyên nhân cũng như cách thức virus lây lan”. Ông nhấn mạnh: “Tin giả đồng nghĩa với việc lời khuyên xấu có thể được lan truyền rất nhanh và có thể thay đổi cách hành xử của mọi người, khiến họ đối mặt với nhiều nguy cơ lớn hơn”.
Nghiên cứu phát hiện rằng nếu giảm 10% số lời khuyên có hại được lan truyền sẽ giúp giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, trong khi ngăn cản 20% số người lan truyền những lời khuyên có hại cũng tạo một tác động tương tự.
Nhóm của Giáo sư Hunter tập trung vào 3 dịch bệnh truyền nhiễm khác nhau, gồm dịch cúm, dịch đậu mùa và dịch virus Corona, song cho biết các phát hiện của nghiên cứu này có thể cũng hữu ích trong việc xử lý dịch COVID-19. Các nghiên cứu này đã được đăng trên nhiều tạp chí chuyên ngành khác nhau số ra ngày 14-2.
BÍCH LIÊN (TTXVN)