Ngân hàng Thế giới (WB) đang gấp rút tìm kiếm lãnh đạo mới sau khi Chủ tịch Jim Yong Kim hồi tuần rồi bất ngờ thông báo từ chức, trong khi còn hơn 3 năm nữa mới hết nhiệm kỳ thứ hai. Một số bóng hồng đã xuất hiện trong danh sách ứng viên tiềm năng.
Cố vấn Nhà Trắng Ivanka (trái) và cựu Đại sứ Haley.
Theo luật bất thành văn, trong hai định chế tài chính quốc tế chủ chốt thì châu Âu lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), còn Mỹ nắm WB. Trong lịch sử 74 năm tồn tại, WB đều do một nam giới Mỹ làm chủ tịch. Trong khi đó, IMF đã “phá lệ” hồi năm 2011 khi bổ nhiệm bà Christine Lagarde, Bộ trưởng Tài chính Pháp, làm nữ Tổng Giám đốc đầu tiên.
Dù Hội đồng Quản trị WB sau cuộc họp giữa tuần rồi cam kết quy trình tuyển chọn lần này là “mở, dựa trên năng lực và minh bạch” nhưng với vai trò cổ đông chi phối, Mỹ tiếp tục gần như không có đối thủ trong việc đưa người của mình vào vị trí chủ tịch WB. Và theo thông tin trên tờ Financial Times, Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc một số cái tên, trong đó có hai phụ nữ. Đó là con gái lớn Ivanka, hiện là cố vấn cấp cao Nhà Trắng và cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley. Các ứng viên tiềm năng khác là Thứ trưởng Tài chính David Malpass và Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ Mark Green.
Thật ra, “Đệ nhất Ái nữ” Ivanka là người không xa lạ với WB. Cô từng giữ vai trò quan trọng trong việc vận động Saudi Arabia tài trợ 1 tỉ USD hồi năm 2017 để WB hỗ trợ phụ nữ kinh doanh.
Trong khi đó, Haley cũng là một nhân vật tiếng tăm trên chính trường Mỹ. Trong vai trò đại sứ tại LHQ, bà đã mạnh mẽ bảo vệ những chính sách gây tranh cãi của Tổng thống Trump đến nỗi hãng tin CNN từng gọi bà là “ngôi sao đột phá trong nội các Trump”. Việc Haley bất ngờ từ chức hồi cuối năm ngoái được dư luận cho là để chuẩn bị đảm nhận một cương vị khác và sẽ không bất ngờ nếu bà được đề cử vào ghế chủ tịch WB, nhất là khi trả lời phỏng vấn mới đây, Haley đã hết lời ca ngợi tính cách khó đoán định của Tổng thống giúp ích cho bà trong việc hoàn thành nhiệm vụ tại LHQ (!?).
Tuy nhiên, việc Mỹ lâu nay “độc quyền” lãnh đạo WB cũng như phái mạnh luôn “cầm trịch” định chế tài chính này đã gây ra những bất mãn, không chỉ từ các quốc gia mới nổi lên như Trung Quốc mà còn từ các tổ chức. Mark Sobel, Chủ tịch Diễn đàn Các tổ chức tiền tệ và tài chính chính thức (OMFIF) có trụ sở tại Anh cho rằng đã đến lúc phải thay đổi, đó là WB nên được lãnh đạo bởi một nhân vật bên ngoài xứ cờ hoa và nên là một phụ nữ. Ông này cũng như các nước chủ trương cải cách tiến cử hai phụ nữ là Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani và Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala. Cả hai đều là cựu quan chức WB. Riêng bà Okonjo-Iweala từng tranh ghế chủ tịch WB với ông Jim Yong Kim hồi năm 2012 và đây cũng là lần đầu tiên một ứng viên Mỹ bị “thách thức”.
Có lẽ hãy còn quá sớm để nói về việc Mỹ “nhường” ghế chủ tịch WB cho nước khác, nhưng không có lý do gì để ngăn một phụ nữ lãnh đạo tổ chức này vào thời điểm hiện nay.
QUỐC KHÁNH