07/04/2020 - 09:33

Vùng đồng bào Khmer miền Tây Nam bộ thay áo mới
Bài cuối: Kỳ vọng mạnh mẽ vào quyết sách phát triển đồng bộ vùng đồng bào dân tộc 

Dù đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có đồng bào Khmer, có bước phát triển so với trước, song vẫn còn không ít khó khăn. Ngoài sự tự lực vươn lên của đồng bào, rất cần sự trợ lực tiếp tục của các ngành hữu quan để chăm lo cuộc sống của đồng bào ngày càng tốt hơn. Đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện Đề án tổng thể Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Đề án) mà Quốc hội ban hành tại Nghị quyết 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án. Đồng bào DTTS ở ĐBSCL và cả nước kỳ vọng mạnh mẽ vào chính sách mới - được xem là quyết sách này.

Cần có giải pháp giữ gìn hoạt động văn hóa cộng đồng truyền thống tốt đẹp của dân tộc Khmer về các lễ hội. Trong ảnh: Tái hiện Lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch quận Ô Môn – Đại đoàn kết các dân tộc thành phố Cần Thơ lần III năm 2019. Ảnh: THANH LONG

►Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Những ngày tháng 3 vừa qua, miền Tây Nam bộ bị ảnh hưởng nặng nề của hạn hán và xâm nhập mặn. Những kênh chính thuộc các ấp: Cơi Tư, Cơi 5A, Cơi 5B, Đá Bạc - nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống của xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, đáy kênh khô đét, nứt nẻ. Ông Hữu Văn Sil, một lão nông tri điền ở ấp Cơi Tư, than: Hạn năm nay khốc liệt hơn đợt hạn lịch sử năm 2016 nhiều. Không chỉ kênh rạch hết nước, tình trạng sụt lún đã và đang diễn ra rất phức tạp… Điều này khiến cuộc sống người dân, trong đó có đồng bào Khmer, rất khó khăn. “Thời gian qua, Nhà nước đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Xuất phát điểm kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thấp, kết cấu hạ tầng nơi đây được đánh giá là kém nhất. Hạ tầng khó khăn, khiến chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên vùng đồng bào DTTS rất khó thu hút nguồn lực xã hội đầu tư. Vòng lẩn quẩn này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển” - ông Triệu Quang Lợi, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, nhận định.

Nhiều địa phương miền Tây Nam bộ đề xuất, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kết nối các đô thị trong vực, gắn với chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng mức hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật đối với vùng DTTS. Trước hết, là đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các tuyến giao thông huyết mạch của vùng, liên vùng. Quy hoạch bố trí lại dân cư ở những vùng đặc biệt khó khăn để thuận lợi cho việc đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu đến tận các khu dân cư, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương. Đặc biệt là phục vụ cho sự phát triển kinh tế hàng hóa trên địa bàn từng xã vùng dân tộc.

“Trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, An Giang sẽ tập trung xây dựng các công trình giao thông, công trình thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế… Đảm bảo các hộ gia đình DTTS sử dụng điện lưới quốc gia, dịch vụ phát thanh, truyền hình; tiếp cận công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh nguồn lực đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phù hợp với vùng đồng bào DTTS và miền núi” – ông Men Pholly, ban Ban Dân tộc tỉnh An Giang, cho biết.

►Những vấn đề tiếp tục đặt ra

TP Cần Thơ đã đạt nhiều kết quả trong xóa đói, giảm nghèo; trong đó có vùng đồng bào Khmer. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho thành phố chính là tỷ lệ hộ nghèo cách biệt khá xa giữa các dân tộc. Điển hình, đầu năm 2019, toàn thành phố còn 483 hộ DTTS nghèo, trong đó, dân tộc Khmer có 453 hộ. “Một bộ phận người DTTS không đất sản xuất hoặc thiếu đất sản xuất, dù được hỗ trợ chuyển đổi nghề, nhưng thu nhập chưa thật sự ổn định. Số hộ DTTS nghèo không đất ở phát sinh do việc tách hộ, tạo thêm áp lực cho địa phương trong việc giải quyết đất ở” - ông Lương Văn Trừ, nguyên Trưởng Ban Dân tộc TP Cần Thơ, cho biết.

Theo nhận định của Ủy ban Dân tộc, vùng DTTS và miền núi đã và đang là “lõi nghèo của cả nước”. Thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS và miền núi ở nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực; tỷ lệ dân số DTTS chiếm 14,7% nhưng tỷ lệ hộ nghèo hiếm 55,27% tổng số hộ nghèo của cả nước. Đa phần hộ nghèo DTTS nghề nghiệp không ổn định, đông con, trình độ dân trí thấp; thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, đời sống còn nhiều khó khăn. Việc thoát nghèo đối với hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiếu bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Ngoài ra, vùng DTTS của các địa phương là địa bàn khó khăn, xuất phát điểm thấp, thiên tai thường xuyên xảy ra. Từ đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế của người dân và kết quả triển khai các chương trình, chính sách dân tộc.  Để giải quyết những vấn đề này đòi hỏi phải có giải pháp đột phá với nguồn lực đầu tư đủ mạnh cho chính sách giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi… Sinh kế của người dân vùng đồng bào DTTS hiện nay chủ yếu là nông nghiệp. Tuy vậy, tình trạng không có hoặc thiếu đất sản xuất đang diễn ra khá phổ biến. Theo số liệu điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2019, có đến 68,5% hộ dân tộc có nhu cầu thêm đất sản xuất. Nhưng, theo các địa phương vùng Tây Nam bộ, đã không còn quỹ đất công để bố trí thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Trong khi đó, định mức hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng đối với nội dung chính sách này lại quá thấp. Do đó, việc tạo ra quỹ đất để hỗ trợ là rất khó.

Thượng tọa Lý Hùng, Phó Hội trưởng Thường trực Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước TP Cần Thơ, cho biết: Những năm qua, đồng bào dân tộc Khmer ở TP Cần Thơ và cả miền Tây Nam bộ dịch chuyển lao động khá nhiều đến Bình Dương, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh... Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy. Một trong số đó là đã và đang có sự mai một trong giữ gìn phong tục tập quán, bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào Khmer. Vì thế, đề nghị chính quyền quan tâm xây dựng mô hình sinh kế phù hợp để giữ chân đồng bào. Đây cũng là cách góp phần giữ gìn hoạt động văn hóa cộng đồng truyền thống tốt đẹp của dân tộc Khmer, xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội vào ngày 26-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cho biết, hiện nay, chính sách đối với đồng bào DTTS không phải là ít. Sau khi rà soát có đến 118 chính sách, nhưng lại không tập trung, mà nằm rải rác ở các lĩnh vực, các bộ, ngành, chương trình, đề án. Đây là dịp để tích hợp 118 chính sách trở thành một chương trình mục tiêu Quốc gia, đầu tư phát triển bền vững cho đồng bào DTTS ở miền núi. Vì thế, Nghị quyết đã chỉ rõ các chỉ tiêu, trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên, mục tiêu của chương trình này được ban hành tránh chồng chéo, trùng lắp, thất thoát, lãng phí và minh bạch cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đây cũng là một nội dung thiết thực thực hiện Bộ công cụ tự đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hiệp Quốc và Liên minh nghị viện thế giới đã xác định, chọn Việt Nam làm điểm.

►Không để ai bị bỏ lại phía sau

ĐBSCL có trên 1,5 triệu người là đồng bào DTTS, chiếm khoảng 6,8% dân số toàn vùng; trong đó, đồng bào Khmer đông nhất, trên 1,2 triệu người. Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào các DTTS. Tổng hợp từ Ủy ban Dân tộc, có khoảng 100 chính sách, văn bản liên quan đến đồng bào DTTS ở ĐBSCL đang được triển khai thực hiện với mục tiêu chủ yếu: phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo… Trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, kể cả bài học thành công và chưa thành công, nhiều địa phương đề xuất Trung ương nghiên cứu tích hợp tất cả các chương trình, chính sách lĩnh vực công tác dân tộc thành chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng DTTS, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để tập trung nguồn lực triển khai thực hiện.

Ngày 18-11-2019, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ông Sơn Phước Hoan, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho rằng: Đây là sự kiện mang tính lịch sử trong lĩnh vực công tác dân tộc; là “quyết sách” phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bởi đây là lần đầu tiên, Quốc hội xem xét, quyết định Đề án và Khung chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Triển khai thực hiện Đề án này, đồng bào DTTS và miền núi được “trợ lực” thông qua 9  dự án lớn. Trong đó, có các dự án đáng chú ý: Tạo sinh kế, việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; Quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, hỗ trợ ổn định đời sống và phát triển sản xuất; Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh; Phát triển nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ người DTTS…

Với quan điểm “vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta”, và chủ trương “không bỏ ai ở lại phía sau”, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành hữu quan đã và đang tích cực triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14. Sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương và Chính phủ, sự vào cuộc đầy quyết tâm của các ngành các cấp sẽ tạo nên những đột phá mới, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS và miền núi; trong đó, có đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.

Nhóm PV (Báo Cần Thơ Khmer ngữ)

Chia sẻ bài viết