05/04/2020 - 11:07

Vùng đồng bào Khmer miền Tây Nam bộ thay áo mới
Bài 2: Vùng đồng bào dân tộc ngày càng gần hơn 

Đa số đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở miền Tây Nam bộ sống bằng nghề nông. Cộng đồng dân cư tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Những năm qua, ngoài Chương trình 135, ở miền Tây Nam bộ, vùng đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Khmer nói riêng được các ngành, các cấp tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Những nỗ lực này làm cho vùng đồng bào dân tộc ngày càng gần hơn!

Bà Thạch Thị Xà Quan, 66 tuổi ở ấp Mỹ An, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long rất mừng khi Nhà nước cất nhà và kéo nước sạch cho bà sử dụng. Ảnh: Ly Giang

Tập trung nguồn lực lớn

An Giang là tỉnh vừa có đồng bằng, vừa có núi và có đường biên giới dài gần 100km, giáp với 2 tỉnh Takeo và Kandal (Campuchia). Đồng bào Khmer ở An Giang chiếm khoảng 4,2% dân số cả tỉnh, sống tập trung chủ yếu ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Ông Men Pholly, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang, cho biết: Đồng bào DTTS, nhất là hộ nghèo, phần nhiều tập trung tại các vùng nông thôn, vùng núi, biên giới. Vì thế, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc đối với An Giang cũng là đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Với quan điểm này, những năm qua, An Giang tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi đáp ứng sản xuất…

“Đến nay, khu vực nông thôn tập trung đông đồng bào DTTS sinh sống đã có những chuyển biến rõ nét: tất cả xã có đường ô tô đến trung tâm xã, ấp; có trạm y tế, công trình thủy lợi, bưu điện văn hóa, lưới điện quốc gia hoặc điện nông thôn… Phần lớn những con đường lầy lội trong phum, sóc đã được bê tông, nhựa hóa, góp phần tổ chức lại sản xuất, tạo việc làm, cải thiện đời sống, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới”- ông Pholly chia sẻ. Còn ông Chau Xiêm ở ấp Măng Rò, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, bộc bạch: “Bây giờ, ở vùng quê này, nhà tường thay nhà lá rất nhiều. Tôi là người có uy tín trong đồng bào Khmer, tôi thấy, chính quyền lo cho đồng bào thì đồng bào mình phải lo làm ăn, cùng chính quyền xây dựng nông thôn ngày càng khang trang hơn”.

Kiên Giang là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer đứng thứ 3 ở ĐBSCL (sau Sóc Trăng và Trà Vinh) và có hơn 56km biên giới bộ giáp với Campuchia. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh tập trung sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và các nguồn vốn khác để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Khmer nói riêng. Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, cho biết: Các chương trình quốc gia về giảm nghèo, Chương trình 135 và các chương trình dự án khác đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng cầu, đường giao thông, trạm y tế, trường học… Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung nguồn lực để thực hiện đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS của Kiên Giang giảm bình quân 3%/năm. Đến nay, Kiên Giang đã có 40/70 xã vùng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới.

Định Hòa, huyện Gò Quao, là xã  có đông đồng bào Khmer, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Kể từ khi Định Hòa được chọn là một trong những xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện, cơ sở hạ tầng của xã ngày càng được hoàn thiện. Đến nay, gần 100% đường liên ấp trong xã được cứng hóa. Xã không còn nhà xiêu vẹo; trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Ông Danh Nghĩa, ở xã Định Hòa, nhận xét: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê Định Hòa. Tôi nhận thấy quê hương mình thay đổi nhiều lắm. Bây giờ, đường đi thông thương hết, nên chạy xe chút xíu là ra đến xã, đến huyện”.

... Ngày càng gần hơn

Các địa phương ở miền Tây Nam bộ, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, đều dành nguồn lực lớn đầu tư cho nông thôn. Kết quả của sự đầu tư này được lão nông Hữu Văn Sil, ở tỉnh Cà Mau, đúc kết ngắn gọn, đậm chất miền Tây: “Thành thị giờ gần xịu!”.

Ông Sil ở ấp Cơi Tư, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, năm nay đã gần 70 tuổi. Ông kể, thời của ông, từ nông thôn muốn ra thành thị phải đi bằng ghe, hoặc lội bộ đường đất, mất cả ngày. Bây giờ, chỉ với chiếc xe gắn máy, ông dễ dàng đi ngang, về dọc trên những tuyến lộ đan nối các phum, sóc. Thậm chí, ông đi và về TP Cà Mau chỉ mất một buổi sáng. Và nhờ “thành thị gần xịu” như ông nói, mà người Khmer quê ông rất quyết tâm cho con cái ăn học; mạnh dạn mua sắm phương tiện đi lại, nghe nhìn. Đặc biệt, nhiều nông dân Khmer thông qua truyền hình, Internet đã biết và tìm hiểu các mô hình sản xuất mới, kỹ thuật tiên tiến ứng dụng vào đồng đất để nâng cao thu nhập. “Hơn 5 năm nay, ở vùng Khmer ấp Cơi Tư, rất nhiều bà con bỏ hẳn sản xuất 3 vụ lúa, chuyển sang 2 lúa - 1 màu. Với vụ màu, bà con thường trồng đậu xanh, rất trúng mùa, lại bán có giá… Ở quê bây giờ đâu khác gì thành thị!” - ông Sil hào hứng kể.

Ông Hữu Văn Sil (bìa trái), người có uy tín ở ấp Cơi Tư, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đang trao đổi với cán bộ Phòng Dân tộc huyện Trần Văn Thời. Ảnh: Thanh Long

Ở tỉnh Vĩnh Long, việc đi lại cũng từng gặp nhiều khó khăn do hạ tầng chưa phát triển. Thầy Thạch Quít Thi, giáo viên Trường Tiểu học Thạch Thia, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, kể: “Lúc tôi học tại Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Vĩnh Long, mỗi năm chỉ có thể về thăm nhà 2 lần vì đường đi rất khó, mất cả ngày trời. Hồi đó, phải đón đò dọc về Tam Bình, rồi lại đón đò về Loan Mỹ, mà mỗi ngày chỉ có một vài chuyến thôi! Bây giờ, khác rồi, muốn đi Trà Ôn, Bình Minh, Tam Bình đều dễ hết vì đường nhựa, đường đan nối thông với nhau”. Nhờ các chương trình dự án đặc thù của Nhà nước dành cho đồng bào DTTS mà Loan Mỹ thay đổi lớn về điện, đường, trường, trạm. Anh Lê Trí Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Loan Mỹ, cho biết: “Không chỉ nối với quốc lộ bằng các tuyến đường nhựa, hệ thống giao thông đến các ấp trong xã đã và đang hoàn thiện với tiêu chí “ấp liền ấp”, người dân đi lại làm ăn dễ dàng, học sinh đến trường thuận lợi”.

Ở  TP Cần Thơ, đến năm 2016, thành phố đã hoàn thành 100% mục tiêu đất ở cho đồng bào DTTS nghèo không đất ở. Thành phố không còn hộ DTTS ở nhà tạm bợ; trên 99% hộ DTTS sử dụng điện, sử dụng nước hợp vệ sinh; 67,16% hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh... Hộ đồng bào DTTS có nhu cầu về vốn đều được hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh, cải thiện, nâng thu nhập của gia đình… Đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, đánh giá: Việc tổ chức thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn TP Cần Thơ thời gian qua được cả hệ thống chính trị quan tâm. Trong đó, công tác cụ thể hóa chính sách tại địa phương và triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc cho cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị các cấp được thực hiện tốt. Từ đó đã tác động đến kết quả tổ chức thực hiện các chương trình, dự án cho đồng bào DTTS, giúp đồng bào từng bước nâng cao đời sống. Khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo, khoảng cách về vị trí địa lý giữa đồng bào các dân tộc trên địa bàn thành phố dần thu hẹp và tiến tới không còn nữa.

(Còn tiếp)

Bài 3: Lo sinh kế, lo an cư cho đồng bào

Nhóm PV (Báo Cần Thơ Khmer ngữ)

Chia sẻ bài viết