03/04/2020 - 20:44

Vùng đồng bào Khmer miền Tây Nam bộ thay áo mới
Bài 1: Niềm vui hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 

Chương trình 135 - Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31-7-1998 của Thủ tướng Chính phủ. Hơn 20 năm qua, cùng với trợ lực của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, tự lực vươn lên của người dân, nhiều ấp, nhiều xã vùng đồng bào dân tộc Khmer ở miền Tây Nam bộ đã rời khỏi Chương trình. Đây được xem là niềm vui, là động lực để các địa phương bước vào chặng đường phát triển mới.

Những năm qua, chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) bao phủ khá toàn diện các địa bàn, các dân tộc, nhiều lĩnh vực. Công tác dân tộc đạt nhiều thành tựu khá toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát huy được ý thức cần cù lao động, sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước. Bên cạnh những chính sách đã và đang đi vào thực tiễn, thuận lòng dân, Đảng, Nhà nước tiếp tục có nhiều chính sách mới nhằm phát triển mạnh mẽ vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó có đồng bào Khmer miền Tây Nam bộ…
Từ chính sách chung, vùng bào Khmer miền Tây Nam bộ đã và đang khoác trên mình chiếc áo tinh tươm hơn, đời sống của đồng bào sung túc hơn.

Ấp thoát nghèo

Trước đây, ấp Thới Trường 1, Thới Trường 2, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, thuộc diện “đặc biệt khó khăn”. Là nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, 2 ấp này được các ngành hữu quan tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng; đồng thời, địa phương cũng linh hoạt lồng ghép các nguồn lực, các chương trình, dự án… để trợ lực, giúp đồng bào phát triển kinh tế gia đình. Anh Danh Hoàng Giang ở ấp Thới Trường 2, chia sẻ: “Vợ chồng tôi ra ở riêng từ năm 2012. Không có đất sản xuất, thiếu vốn làm ăn, nên dù vợ chồng cố gắng làm thuê để nuôi 2 con nhỏ nhưng vẫn là hộ nghèo… Năm 2018, vợ chồng tôi được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thới Xuân xét hỗ trợ 1 cặp heo. Thời gian này, vợ tôi cũng vào làm công ty ở Khu Công nghiệp Trà Nóc. Tôi ở nhà, vừa nuôi heo, vừa đi làm thuê và chăm con nhỏ… Heo đẻ bao nhiêu đều xuất bán hết, chỉ để lại 2 con. Tháng 4 năm ngoái, vợ chồng tôi được chính quyền xét tặng nhà Đại đoàn kết. Gia đình tôi thoát nghèo vào cuối năm 2019, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền”.

ẤpThới Trường 2 có 204/225 hộ là đồng bào dân tộc Khmer. Phần lớn bà con làm ruộng, một số ít buôn bán nhỏ và chăn nuôi. Đầu năm 2019, ấp có 21 hộ nghèo; đến đầu năm 2020, ấp chỉ còn 1 hộ nghèo. Về kết quả khả quan này, ông Thạch Sung, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Nhân dân ấp Thới Trường 2, chia sẻ: “Hầu hết người dân đều có ý chí tự lực vươn lên trong cuộc sống. Ngoài tham gia các chương trình, dự án, bà con còn tự tìm hiểu để nuôi ếch, nuôi cá, nuôi heo… phát triển kinh tế gia đình”. Tháng 8 - 2019, với những nỗ lực của chung, Thới Xuân được công nhận là xã nông thôn mới. Điều này cũng đồng nghĩa, TP Cần Thơ không còn ấp “đặc biệt khó khăn”.

Cầu nông thôn mới liên ấp ở xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Ma Lai

Cuối năm 2019, Ủy ban Dân tộc đánh giá 1 trong 10 những sự kiện tiêu biểu trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc là: Cả nước có 125 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 1.298 thôn, bản (ấp) ra khỏi Chương trình 135. Trong số này, miền Tây Nam bộ có 7 xã và 104 ấp, chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc Khmer… Xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, có ấp Bình La và ấp Ba Se A nằm trong danh sách “thoát nghèo”. Chị Kiên Thị Che Tha ở ấp Ba Se A, kể: “Mấy năm nay, nhờ Nhà nước đầu tư, người dân trong ấp có điện sinh hoạt. Nhờ có điện, học sinh học tập tốt hơn, người dân có điều kiện để chăn nuôi, phát triển sản xuất... Gia đình tôi cũng được Nhà nước hỗ trợ vốn nuôi bò, trồng màu… nên đã thoát nghèo!”.

Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hòa, sự bứt phá của xã Lương Hòa là thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi sản xuất, nâng giá trị sản xuất trên cùng diện tích. Nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất ở Lương Hòa đạt hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật trong số đó là mô hình VietGAP trên cây bưởi da xanh, đem lại lợi nhuận cao gấp 3-4 lần trồng lúa… “Khi đời sống vật chất đã khá lên, người dân sẽ tích cực đóng góp công sức, tiền của… để cùng chính quyền xây dựng hạ tầng nông thôn. Vì vậy, chắc chắn rằng, Lương Hòa sẽ sớm được công nhận xã nông thôn mới” - ông Nguyễn Văn Sỹ kỳ vọng.

Xã thoát Chương trình 135

Cùng với các địa phương khác, các cấp chính quyền vùng DTTS&MN nói chung, vùng đồng bào Khmer miền Tây Nam bộ nói riêng đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Bởi, theo quy định, xã được cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, hiển nhiên được “tấm vé vàng” hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.

Tỉnh Sóc Trăng - nơi có hơn 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer và có 29 xã, 158 ấp nằm trong danh sách Chương trình 135, nhiều xã đã được công nhận xã nông thôn mới. Điển hình là xã An Hiệp, huyện Châu Thành - nơi có trên 65 % dân số là đồng bào Khmer. Ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã An Hiệp, cho biết: “An Hiệp tập trung hỗ trợ hộ Khmer nghèo phát triển kinh tế. Phương châm của xã là hộ nghèo phải được hỗ trợ nhà ở, vốn vay làm ăn, cây con giống và đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để đảm bảo thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, Đảng ủy xã còn chỉ đạo, mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện giám sát, hướng dẫn bà con Khmer nghèo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, chọn mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế để có thu nhập ổn định. Song song đó, An Hiệp tăng cường đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn”…

Một trong những hộ được trợ lực thoát nghèo theo những giải pháp trên là gia đình chị Dương Thị Đẹp ở ấp Giồng Chùa A. Chị Đẹp chia sẻ: “Mấy chục năm, tôi cất chòi ở nhờ đất của chùa và làm thuê sống qua ngày. Năm 2018, Nhà nước hỗ trợ mua đất, cất cho căn nhà tường và xét cho tôi vay 50 triệu đồng để mở quán bán cà phê, bún nước lèo và cấp cho 3 con heo. Nhờ buôn bán, chăn nuôi thuận lợi, vợ chồng cố gắng tiết kiệm để cuộc sống không còn khó khăn như trước nữa”… Có định hướng phát triển phù hợp và có phương pháp hỗ trợ đúng, tích cực cho hộ nghèo nên xã An Hiệp phát huy được các nguồn lực. Và thành quả lớn nhất mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Hiệp đạt được là An Hiệp được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2019.

Xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh là 1 trong 7 xã ở miền Tây Nam bộ nằm trong danh sách hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Anh Diệp Văn Bảo ở ấp Giồng Lớn, xã Đại An, chia sẻ: “Trước đây, vợ chồng tôi gặp nhiều khó khăn do không nghề nghiệp ổn định, không tư liệu sản xuất. Được địa phương hỗ trợ vốn nuôi bò sinh sản, hỗ trợ nhà ở… tôi cất được nhà tường rồi. Tôi rất cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ gia đình tôi”. Ông Đồ Văn Dưng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại An, cho biết: Thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 46,63 triệu đồng/người/năm… Xã Đại An đã đạt các tiêu chí về nông thôn mới... Được công nhận hoàn thành Chương trình 135 không chỉ là niềm vui mà còn là động lực để xã vững tin trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Theo Ủy ban Dân tộc, Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, Chương trình 135 (dự án 2) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được triển khai thực hiện ở 2.138 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và 3.973 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Từ năm 2016 đến nay, Chương trình 135 được bố trí tổng nguồn vốn gần 20.000 tỉ đồng. Các nguồn lực này đã góp phần không nhỏ giúp vùng đồng bào dân DTTS xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sinh kế, qua đó vươn lên thoát nghèo.
Với nỗ lực thực hiện, đến năm 2019, có 125 xã của 29 tỉnh và 1.298 thôn của 39 tỉnh đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.

Nhóm PV (Báo Cần Thơ Khmer ngữ)

(Còn tiếp)

Bài 2: Vùng đồng bào dân tộc ngày càng gần hơn

Chia sẻ bài viết