06/04/2020 - 09:42

Vùng đồng bào Khmer miền Tây Nam bộ thay áo mới
Bài 3: Lo sinh kế, lo an cư cho đồng bào 

Nhóm PV (Báo Cần Thơ Khmer ngữ)

Không chỉ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chính quyền các địa phương ở miền Tây Nam bộ còn tập trung lo sinh kế, lo an cư cho đồng bào. Tất cả nhằm giúp đồng bào dân tộc Khmer vượt khó, thoát nghèo bền vững, cùng cộng đồng các dân tộc khác đoàn kết xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

 

Lo sinh kế

Xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang có trên 27% dân số là đồng bào Khmer nên được Nhà nước tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, giống cây trồng, vật nuôi; đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn... đã phát huy hiệu quả. Anh Danh Nhỏ, ở ấp 5, cho biết: “Nhà nghèo, không có đất sản xuất, từ nguồn vốn vay hỗ trợ 30 triệu đồng, tôi nuôi gà thịt. Nhờ áp dụng kỹ thuật theo hướng dẫn nên đàn gà phát triển tốt. Nuôi gà, 1 năm, tôi xuất chuồng 3 lần, mỗi lần bán lời từ 20 - 30 triệu đồng. Hiện nay, tổng đàn gà của tôi trên 400 con. Mấy năm nay, nhờ nuôi gà mà vợ chồng tôi khá lên, không còn cơ cực như trước”. Theo ông Phạm Hoàng Khâm, Chủ tịch UBND xã Xà Phiên, xã tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước và các dự án, chương trình khác đầu tư cho hộ Khmer nghèo và sự nhiệt tình của các đoàn thể trong thực hiện kiểm tra, giám sát, hướng dẫn bà con chọn mô hình hiệu quả phù hợp với điều kiện kinh tế. Đặc biệt, sự tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của bà con đã góp phần giúp xã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo 3 - 4%/năm.

Nhờ vốn vay tín dụng hộ nông dân Khmer ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đã thoát nghèo. Ảnh: Ma Lai

Huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, có 32,67% dân số là đồng bào Khmer. Các chính sách hỗ trợ của Trung ương đã tác động tích cực trong việc tạo điều kiện để đồng bào Khmer phát triển kinh tế, xóa nghèo và ổn định cuộc sống. Đầu năm 2019, tỷ lệ hộ DTTS nghèo ở huyện Cầu Kè giảm còn 4,65% và hộ cận nghèo còn 9,74% so với tổng số hộ trong toàn huyện. Giai đoạn 2014-2019, thực hiện chính sách dân tộc, Cầu Kè tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, hỗ trợ vốn sản xuất, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề… gần 60 tỉ đồng. Ông Thạch Huônl ở ấp Trà Ốt, xã Thông Hòa, cho biết: “Năm 2016, gia đình tôi được hỗ trợ vay 20 triệu đồng để mua 1 bò mẹ và 1 bò con. Tôi tận dụng gần 1 công đất vườn để trồng cỏ nuôi bò. 3 năm qua, cứ mỗi năm, tôi tích lũy được 1 con bò, giá khoảng 15 triệu đồng/con. Ngoài ra, tôi cũng mua bò về nuôi vỗ béo, sau 2-3 tháng nuôi sẽ bán, thu nhập 3-4 triệu đồng/con/đợt vỗ béo. Nhờ vậy mà cuộc sống khấm khá hơn rất nhiều”. Ông Thạch Bô Nát, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Cầu Kè, cho biết: “Bên cạnh các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, huyện Cầu Kè đã chủ động lồng ghép nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ để xây dựng hàng loạt các mô hình trồng trọt và chăn nuôi… Từ đó, tạo điều kiện tối đa cho đồng bào Khmer phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo”.

Theo Ban Dân tộc các địa phương, giải pháp “trao cần câu” được các địa phương đẩy mạnh thực hiện. Nhờ đó, ý thức tự lực vươn lên của đồng bào DTTS nói chung, đồng bào DTTS nghèo nói riêng có bước chuyển biến tích cực. Nhiều hộ nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất cũ kém hiệu quả, từng bước khắc phục dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. “Chính quyền không đơn độc trong việc lo sinh kế, mà ngay cả hộ dân tộc cũng tự tìm tòi, phát triển sản xuất, chăn nuôi… để tăng thu nhập. Từ đó, đời sống của hộ nghèo dần được cải thiện; sự tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản: nhà ở, y tế, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, trợ cấp xã hội… vì thế ngày càng tốt hơn, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững theo chủ trương của Đảng và Nhà nước” - ông Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, nhận định.

Lo an cư

Ông Thạch Dương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Từ năm 2014 đến nay, từ các chương trình, dự án chung, Đài Truyền hình Vĩnh Long đã tài trợ 100% kinh phí xây dựng 1.587 căn nhà cho hộ đồng bào Khmer nghèo trên địa bàn. Ngoài ra, thông qua các dự án, Vĩnh Long cũng hỗ trợ 300 con bò, hỗ trợ vốn, đào tạo nghề nông thôn… để các hộ nghèo phát triển kinh tế. An cư, nên đồng bào Khmer an tâm vượt khó thoát nghèo bền vững”. Gia đình anh Thạch Sơn ở ấp Mỹ Yên, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, là một trong những hộ được hỗ trợ của Nhà nước thoát nghèo và cất được nhà tường. Ngồi trong căn nhà rộng rãi, thoáng mát, anh Sơn vẫn chưa hết vui. Anh khoe: “Tôi đã trả hết nợ, mà còn dư được 2 con bò đang lớn làm vốn!”. Chị Nguyễn Thị Hương, Bí thư, Trưởng Ban Nhân dân ấp Mỹ Yên, nói: “Vợ chồng anh Sơn rất chí thú làm ăn, nên khi được hỗ trợ là phát huy hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước ngay. Ấp Mỹ Yên có rất nhiều hộ như anh Sơn. Nhờ vậy mà toàn ấp hiện chỉ còn 4 hộ nghèo”.

TP Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực trong việc lo an cư cho hộ nghèo DTTS. Theo ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đồng bào không có đất ở, nhà ở, thì từ nguồn vốn Trung ương và địa phương, cũng như từ vận động xã hội hóa, thành phố tổ chức bình xét và cấp đất, cấp nhà ở cho đồng bào... Hộ đồng bào DTTS có nhu cầu về vốn đều được hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh, cải thiện, nâng thu nhập của gia đình. Công tác giảm nghèo trong đồng bào DTTS được hệ thống chính trị quan tâm thực hiện. Nhờ đó, số hộ DTTS nghèo giảm từ 2-3% mỗi năm. “Thành phố phấn đấu cơ bản hỗ trợ cho 100% đồng bào DTTS nghèo, đặc biệt khó khăn có đất ở, nhà ở ổn định; giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc của thành phố bình quân hằng năm từ 2-3%, đến năm 2024 còn dưới 5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2026” - ông Lê Quang Mạnh khẳng định.

Anh Thạch Sơn ở ấp Mỹ Yên, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long vui mừng bên căn nhà khang trang. Ảnh: Ly Giang

Sóc Trăng và Trà Vinh - 2 địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất, nhì miền Tây Nam bộ - triển khai nhiều giải pháp giúp đồng bào an cư.  Theo đó, với nguồn vốn Trung ương, địa phương… trên 1.675,5 tỉ đồng, từ năm 2014 đến nay, Sóc Trăng đã hỗ trợ vùng đồng bào Khmer xây dựng 219 giếng khoan; nâng cấp mở rộng 25 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 4.054 hộ nghèo, 7.846 hộ có công. Đồng thời, tỉnh thực hiện hỗ trợ đất ở, vay vốn chuộc lại đất sản xuất và hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, phát triển sản xuất… cho đồng bào dân tộc đúng theo quy đinh. Ông Lâm Sách, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, đúc kết: Thông qua thực hiện chính sách nêu trên đã cơ bản giải quyết tình trạng nhà tạm, nhà dột nát của đồng bào dân tộc. Từ đó, tạo điều kiện giúp các hộ thiếu đất sản xuất đầu tư chuyển đổi nghề, phát triển kinh tế hộ gia đình một cách bền vững.

Giai đoạn 2014-2019, tỉnh Trà Vinh tập trung nguồn vốn Trung ương, địa phương… hàng trăm tỉ đồng để hỗ trợ 15.474 hộ Khmer mua bồn chứa nước, lắp đặt đồng hồ nước, khoan giếng; hỗ trợ 3.036 hộ về đất ở; giải ngân vốn vay cho 3.795 hộ chuộc đất sản xuất, giải quyết việc làm… Từ những “trợ lực” cấp thiết này, ông Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, cho rằng: Đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Khmer nói riêng càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành quản lý của chính quyền. Từ đó, đồng bào tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động; cùng các dân tộc khác tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu xây dựng cuộc sống này càng ấm no hơn.

(Còn tiếp)

Bài cuối: Kỳ vọng mạnh mẽ vào quyết sách phát triển đồng bộ vùng đồng bào dân tộc

Chia sẻ bài viết