25/07/2011 - 21:49

Vụ tấn công kép ở Na Uy và nỗi lo của châu Âu

Người dân Na Uy thắp nến và đặt hoa ở trung tâm Oslo để tưởng niệm những nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công kép hôm 22-7. Ảnh: AFP

Vụ tấn công kép làm ít nhất 93 người chết ở Na Uy hôm 22-7 đã gióng hồi chuông cảnh báo về chủ nghĩa cực hữu không chỉ ở Na Uy, mà còn khắp châu Âu.

Hãng tin Anh Reuters ngày 24-7 cho biết nghi phạm Anders Behring Breivik trong vụ tấn công kép ở Na Uy tuyên bố khi xuất hiện trước tòa sẽ khai nhận với thế giới vì sao y gây ra vụ thảm sát kinh hoàng hôm 22-7. Geir Lippestad, luật sư của Breivik, nói rằng thân chủ của ông có động cơ chính trị và tự nhận thấy là đã không thành công bằng những phương pháp chính trị thông thường, vì vậy y đã dùng đến bạo lực. Với các trường hợp xả súng, kẻ sát nhân thường tự kết liễu khi cảnh sát đến hoặc kích động để cảnh sát nổ súng tiêu diệt. Nhưng Breivik đã đầu hàng khi đụng độ cảnh sát ở đảo Utoeya với ý đồ lợi dụng sự chú ý của dư luận để tuyên truyền ý nghĩ cực đoan của y.

Từ trường hợp của Breivik, Thời báo New York của Mỹ cho rằng sự thành công của các chính đảng kêu gọi bảo vệ bản sắc dân tộc đã tạo ra làn sóng chỉ trích nhằm vào các cộng đồng thiểu số, người nhập cư (nhất là người Hồi giáo) và trở thành trào lưu chính trị. Thực tế, tự thân các chính đảng không dung túng bạo lực, nhưng một số chuyên gia cho rằng những bài diễn thuyết của các chính trị gia đã tạo ra sự thù hận, kích động bạo lực cá nhân.

Các nhân viên chống khủng bố của Sở Cảnh sát Luân Đôn hiện đang điều tra xem liệu Breivik có tới Anh trong những năm gần đây hay không và liệu y có tham gia vào mạng lưới lớn hơn để chuẩn bị thực hiện các vụ tấn công tương tự. Breivik cho biết y đã được tham dự cuộc họp đặc biệt ở Luân Đôn tháng 4-2002, do 2 phần tử cực đoan Anh tổ chức.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron gần đây đều có tuyên bố tiến tới chấm dứt chủ nghĩa đa văn hóa. Tháng 10 năm ngoái, bà Merkel nói tại hội nghị đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) rằng chủ nghĩa đa văn hóa đã “thất bại hoàn toàn”, dù nhấn mạnh người nhập cư vẫn được chào đón ở Đức. Tổng thống Sarkozy đã cho tổ chức cuộc tranh luận toàn quốc về vấn đề “bản sắc dân tộc” hồi năm ngoái; và đầu năm nay, Pháp cấm mạng che mặt toàn thân của đạo Hồi. Có lẽ, bất ngờ nhất là ở Anh, đất nước lâu nay tự cho là trong số những quốc gia thân thiện người nhập cư nhất châu Âu, cho tới khi xảy ra hàng loạt vụ đánh bom phối hợp ở Luân Đôn 6 năm trước. Trong một bài diễn văn đáng chú ý nhất tại hội nghị an ninh Munich (Đức) hồi tháng 2, ông Cameron cho rằng chính sách đa văn hóa nhiều thập niên qua của Anh đã khuyến khích “một số cộng đồng tách biệt”, nơi Hồi giáo cực đoan có thể phát triển mạnh.

Joerg Forbrig, nhà phân tích tại Quỹ Marshall Đức ở Berlin, cho rằng ông không bất ngờ về vụ đánh bom xảy ra ở Na Uy. Theo ông Forbrig, các nhóm cánh hữu đã từng phát triển mạnh ở châu Âu và rồi nhanh chóng biến mất từ thập niên 1960 đến những năm 1990. Tuy nhiên, những năm gần đây, những tuyên bố cực hữu đã xuất hiện, thậm chí trong một số chính đảng. Kết hợp với làn sóng nhập cư gia tăng từ bên ngoài và việc di chuyển không hạn chế bên trong EU, đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa dân tộc hồi sinh. Nhiều tổ chức cực đoan đang phát triển nhanh từ Hungary tới Ý, nhưng rõ ràng nhất là ở các nước Bắc Âu, khu vực lâu nay có chính sách nhập cư tự do.

N. MINH (Theo NYT, WSJ, Guardian)

Chia sẻ bài viết