|
Các nhà đàm phán trong một phiên thảo luận mở tại trụ sở WTO. Ảnh: AFP |
Sau 9 ngày thương thuyết giữa các đại diện 35 nền kinh tế chủ chốt trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Genève (Thụy Sĩ), vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu chẳng những không tiến triển mà còn đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Cuộc đàm phán (diện hẹp) cấp bộ trưởng của 7 nền kinh tế lớn (gồm Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Australia) kéo dài từ ngày 28-7 đến sáng 29-7 được người phát ngôn WTO Keith Rockwell mô tả là “cực kỳ căng thẳng” khi các cường quốc thương mại chỉ trích nhau kịch liệt. Cuộc họp lần này, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 1-8, là nhằm đạt được sự nhất trí về các giải pháp cắt giảm rào cản trong thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, sự lạc quan về một thỏa thuận mới trở nên xa vời khi các nước vẫn bất đồng sâu sắc trong nhiều vấn đề.
Trở ngại lớn nhất là kiến nghị cho phép các nước đang phát triển áp dụng một loại thuế đặc biệt lên một số mặt hàng nông sản trong trường hợp nhập khẩu tăng nhanh hoặc giá giảm, thông qua Cơ chế bảo vệ đặc biệt (SSM). Người phát ngôn WTO Keith Rockwell cho biết vấn đề điều chỉnh thuế nhập khẩu được các nước tập trung thảo luận suốt 12 giờ, nhưng Mỹ nhất quyết phản đối. Sau đó, Đại diện Thương mại Mỹ Susan Schwab từ chối thảo luận cả các vấn đề khác.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Kamal Nath chỉ trích vòng đàm phán Doha vẫn bế tắc sau 7 năm khởi động là kết quả của những yêu cầu bất hợp lý từ Mỹ và các nước giàu. Đáp lại, David Shark, một quan chức thương mại Mỹ, nói rằng Washington phải “ngậm đắng nuốt cay để chấp nhận” bản dự thảo hiệp định, vốn hạn chế nghiêm ngặt các khoản trợ cấp nông nghiệp của Mỹ. Ông Shark còn chỉ trích Ấn Độ về việc bác bỏ trọn gói các điều khoản do Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy đề xuất. Mỹ cũng phê phán việc Trung Quốc rút lại các điều khoản từng cam kết hồi tuần rồi trong khi Trung Quốc thì cho rằng Mỹ nhượng bộ quá ít và yêu cầu nước này phải cắt giảm mạnh trợ cấp cho người trồng bông.
Ngoài bất đồng về vấn đề nhập khẩu chuối khiến nhóm các nước châu Phi, Caribbe và Thái Bình Dương (ACP) rút khỏi cuộc họp trước đó, dấu hiệu rạn nứt cũng bắt đầu xuất hiện trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU). 9 nước gồm Chypre, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Italia, Litva, Ba Lan và Bồ Đào Nha, yêu cầu Cao ủy Thương mại EU Peter Mandelson đàm phán một thỏa thuận có lợi hơn cho khối này. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thậm chí còn cảnh báo Paris sẽ không ký vào hiệp định nếu EU phải nhượng bộ quá nhiều về nông nghiệp. Đây là vấn đề hóc búa đối với ông Mandelson trong bối cảnh thương lượng đang bế tắc buộc các bên phải có sự nhượng bộ để cứu vãn tình hình.
Các cuộc đàm phán trước đây thất bại xung quanh vấn đề trợ cấp nông nghiệp của các nước giàu, còn lần này theo ông Luzius Wasescha, Trưởng phái đoàn Thụy Sĩ tại WTO, là do dự thảo hiệp định của Tổng Giám đốc Lamy chỉ dựa vào ý chí và lợi ích của một số ít quốc gia, chứ không đại diện cho đa số các nước thành viên. Xem ra vòng đàm phán Doha không tránh khỏi nguy cơ đổ vỡ.
N.MINH (Theo Reuters, AFP, AP)