29/05/2019 - 19:12

Viện Lowy (Úc):

Việt Nam tăng nhanh ảnh hưởng chiến lược trong khu vực 

* Có thể vượt Singapore về quy mô kinh tế vào năm 2029

Ngày 29-5, Viện nghiên cứu chính sách Lowy của Úc công bố nghiên cứu xếp hạng quyền lực của 25 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á-Thái Bình Dương, trong đó Mỹ tiếp tục là quốc gia có quyền lực cao nhất khu vực trong 12 tháng qua. Việt Nam xếp thứ 13 trong danh sách này. 

Truyền thông quốc tế đưa tin sự kiện Việt Nam đăng cai thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 2-2019.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Viện Lowy thực hiện nghiên cứu xếp hạng quyền lực của 25 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á-Thái Bình Dương hằng năm dựa trên 8 tiêu chí đánh giá chính - từ sức mạnh quân sự, nguồn lực kinh tế đến ảnh hưởng ngoại giao và văn hóa của mỗi nước.

Trong danh sách xếp hạng 12 tháng qua, Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí thứ hai sau Mỹ, nhưng khoảng cách giữa hai cường quốc trong khu vực được đánh giá là đã thu hẹp so với xếp hạng năm trước. Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Ấn Độ và Nga. Úc xếp thứ 7, không thay đổi so với thứ hạng năm trước.

Việt Nam xếp thứ 13 trong danh sách trên, sau New Zealand và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Các chuyên gia của viện Lowy nhận định trong 12 tháng qua, Việt Nam đã tăng nhanh ảnh hưởng chiến lược và kinh tế trong khu vực.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ngày 29-5, tờ Nikkei Asia Review dẫn báo cáo của DBS Bank (Ngân hàng Phát triển Singapore) nhận định nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,5% trong 10 năm tới và vượt qua Singapore về quy mô vào năm 2029.

Phát biểu tại buổi công bố báo cáo nghiên cứu một ngày trước đó, chuyên gia kinh tế cao cấp Irvin Seah của DBS Bank cho rằng các yếu tố cơ bản, bao gồm sự cải thiện về năng suất và cơ sở hạ tầng, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xu hướng này sẽ tiếp tục.

Báo cáo nhận định Chính phủ Việt Nam đang “nỗ lực một cách có tính toán để khuyến khích đầu tư và cải thiện hạ tầng”. Ngoài ra, báo cáo cho rằng do vị trí địa lý nằm trong chuỗi cung ứng khu vực và hệ thống các hiệp định thương mại tự do (FTA) mở rộng, Việt Nam có một “vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ các tranh chấp thương mại hiện nay” giữa Mỹ và Trung Quốc.

DBS Bank cũng đưa ra các số liệu mà ngân hàng này thu thập được cho thấy vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2019, vượt qua tất cả các nước khác và đạt 1,3 tỉ USD, so với con số khoảng 200 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng tăng khi các công ty đang di chuyển cơ sở sản xuất sang quốc gia Đông Nam Á này nhằm tránh mức thuế suất cao mà Mỹ áp với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Việt Nam cũng nổi lên như một trong những công xưởng sản xuất hàng điện tử lớn nhất trong khu vực này.

Chia sẻ bài viết