26/08/2023 - 19:00

Vị thế mới của BRICS 

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của nhóm nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Ðộ, Trung Quốc và Nam Phi) vừa diễn ra tại thành phố Johannesburg (Nam Phi) đã kết thúc thành công tốt đẹp, trong đó nổi bật nhất là các nhà lãnh đạo đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc, tiêu chuẩn, tiêu chí và thủ tục hướng dẫn của quá trình mở rộng, đồng thời quyết định mời thêm 6 nước Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) gia nhập vào khối và trở thành thành viên chính thức từ ngày 1-1-2024.

Các nhà lãnh đạo BRICS chụp hình lưu niệm tại hội nghị thượng đỉnh hôm 23-8. Ảnh: AFP

BRICS đã bắt tay vào chương mới

Kết thúc hội nghị đầu tiên được tổ chức trực tiếp kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát, các nhà lãnh đạo BRICS tuyên bố đã chia sẻ tầm nhìn của khối hướng đến tư cách là các quốc gia đại diện cho nhu cầu và mối quan tâm của người dân ở các nước Nam bán cầu, gồm nhu cầu tăng trưởng kinh tế có lợi, phát triển bền vững và cải cách các hệ thống đa phương.

Các nhà lãnh đạo BRICS cũng khẳng định cam kết đối với chủ nghĩa đa phương toàn diện và duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm các mục đích và nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ), qua đó bày tỏ quan ngại về những xung đột đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới và nhấn mạnh cam kết của khối về việc giải quyết những khác biệt và tranh chấp một cách hòa bình, thông qua đối thoại và tham vấn toàn diện.

Các nhà lãnh đạo BRICS cũng nhấn mạnh về động lực toàn cầu hướng tới sử dụng đồng nội tệ, các thỏa thuận tài chính và hệ thống thanh toán thay thế; khuyến khích các tổ chức tài chính đa phương và các tổ chức quốc tế đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng sự đồng thuận toàn cầu về chính sách kinh tế.

Hội nghị cũng thông qua Tuyên bố Johannesburg II phản ánh các thông điệp chính của BRICS về các vấn đề quan trọng về kinh tế, tài chính và chính trị toàn cầu. Tuyên bố thể hiện các giá trị và lợi ích chung làm nền tảng cho sự hợp tác cùng có lợi của 5 quốc gia BRICS, khẳng định tính đa dạng của nhóm.

Cùng với thỏa thuận về các nguyên tắc, tiêu chuẩn, tiêu chí và thủ tục hướng dẫn của quá trình mở rộng BRICS và quyết định mời Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và UAE trở thành thành viên chính thức của khối vào đầu năm tới, các nhà lãnh đạo BRICS khẳng định “đã bắt tay vào một chương mới trong nỗ lực xây dựng thế giới công bằng, hòa nhập và thịnh vượng”.

Sự chuyển đổi và phân cực chính trị

Theo Hãng tin Reuters, sự gia nhập của các cường quốc dầu mỏ Saudi Arabia và UAE vào BRICS làm nổi bật sự rời xa của 2 nước này trong quỹ đạo của Mỹ và tham vọng trở thành đối thủ nặng ký toàn cầu theo đúng nghĩa của họ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng việc mở rộng thành viên có ý nghĩa “lịch sử” đối với nhóm và là điểm khởi đầu mới đối với cơ chế hợp tác trong khuôn khổ BRICS. “Việc mở rộng cho thấy sự quyết tâm của các nước thành viên BRICS trong việc đoàn kết và hợp tác với các nước đang phát triển rộng lớn hơn”, ông Tập nhấn mạnh.

Theo Reuters, “ông lớn” của khối là Trung Quốc từ lâu đã kêu gọi mở rộng BRICS như là chiến lược thách thức sự thống trị của Phương Tây trước nguy cơ về một cuộc Chiến tranh lạnh mới và điều này được phía Nga chia sẻ. Các nước thành viên còn lại ủng hộ mở rộng như là cách thúc đẩy cải tổ trật tự thế giới hiện nay vốn bị cho là lạc hậu và hình thành nên trật tự toàn cầu đa cực công bằng hơn. Chứ thực tế, Brazil và Ấn Ðộ vẫn có mối quan hệ gần gũi với phương Tây. Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã bác bỏ ý tưởng cho rằng BRICS đang tìm cách cạnh tranh hoặc làm đối trọng với Nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hay Mỹ.

Dù thế nào đi nữa, cam kết của các nhà lãnh đạo BRICS nhằm bảo vệ lợi ích của các quốc gia ngoài phương Tây là một phần trong quá trình chuyển đổi dần dần trọng tâm của nhóm từ kinh tế sang địa chính trị. Cái tên viết tắt BRICS ngày nay xuất phát từ ý tưởng được nhà kinh tế người Anh Jim O’Neill thuộc tập đoàn tài chính và ngân hàng Goldman Sachs đưa ra năm 2001 nhằm đánh giá về cơ hội đầu tư ở các thị trường mới nổi hàng đầu thế giới. Nhưng từ khi ra đời năm 2009, một điểm chung của BRICS là muốn xây dựng trật tự thế giới đa cực công bằng và giảm phụ thuộc vào đồng đô-la của Mỹ. Ðây là lý do BRICS thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) năm 2015 như là sự lựa chọn thay thế Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân Hàng Thế giới (WB) do phương Tây chi phối. Dẫu vậy, báo cáo hồi tháng 4-2023 cho thấy trong số khoản vay trị giá gần 33 tỉ USD mà NDB phê chuẩn, có tới 2/3 là bằng đồng bạc xanh.

Cho nên, chuyên gia chính trị Daniel Silke tại Nam Phi nhận định việc mở rộng BRICS thể hiện sự phân mảnh và phân cực chính trị mà chúng ta đang thấy trên thế giới. Chính Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khi chứng kiến thông báo BRICS mở rộng cũng kêu gọi cải cách Hội đồng Bảo an LHQ, IMF và WB. Tuy nhiên, thực tế thì các nỗ lực nhằm tái cân bằng sức mạnh kinh tế và thể chế tài chính với phương Tây của BRICS được cho là khát vọng cường điệu bởi mục tiêu đạt được quá ít ỏi.

Năm 2024, Nga sẽ là nước chủ trì các hoạt động của BRICS. Hội nghị thượng đỉnh BRICS dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10-2024 tại thành phố Kazan, thủ phủ vùng bán tự trị Tatarstan ở miền Tây Nam nước Nga. Nga có kế hoạch tổ chức khoảng 200 sự kiện chính trị, kinh tế và công cộng khác trong khuôn khổ năm BRICS 2024.

Chia sẻ bài viết