23/07/2025 - 11:26

Tháo gỡ khó khăn để trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã hoạt động hiệu quả 

Đoàn công tác của Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ vừa kiểm tra tình hình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại 8 xã, phường để ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Từ đó, đề xuất giải pháp tháo gỡ nhằm đảm bảo việc tiếp nhận và giải quyết TTHC thông suốt, an toàn và hiệu quả.

Đoàn công tác của Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ kiểm tra việc tiếp nhận và giải quyết TTHC tại xã Phong Nẫm.

Theo ông Dương Văn Tiếng, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Cù Lao Dung, từ ngày 1-7-2025, UBND xã đã bố trí 10 công chức có trình độ chuyên môn phù hợp làm việc tại Trung tâm. Máy vi tính, máy in, máy scan… được trang bị đầy đủ, đảm bảo nhu cầu làm việc cơ bản của công chức.

Xã Cù Lao Dung được hợp nhất từ 4 xã: An Thạnh 2, Đại Ân 1, An Thạnh 3 và An Thạnh Nam, với quy mô dân số hơn 43.000 người. Do vậy, số lượt người đến thực hiện TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã khá cao, bình quân 40-50 hồ sơ/ngày. Tất cả hồ sơ TTHC đều được thực hiện đúng quy trình và đúng hẹn theo quy định. Nét nổi bật là Trung tâm Phục vụ hành chính công xã có nhiều cách làm hay hỗ trợ người dân trong thực hiện TTHC, như: phối hợp VNPT bố trí nhân viên tuyên truyền, hướng dẫn người dân, hộ kinh doanh đăng ký chữ ký số cá nhân; hỗ trợ công chức xử lý những sự cố về công nghệ thông tin trong quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ của người dân. Bảo hiểm xã hội TP Cần Thơ cũng bố trí 1 nhân viên trực tại Trung tâm để tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ lĩnh vực bảo hiểm cho người dân. “Trung tâm còn triển khai mô hình tổ chức lễ trao giấy chứng nhận kết hôn cho công dân; hỗ trợ dịch thuật đối với các hồ sơ kết hôn với người nước ngoài” - ông Dương Văn Tiếng cho biết.

Tại xã Phong Nẫm - 1 trong 8 đơn vị hành chính cấp xã của TP Cần Thơ không sắp xếp, do điều kiện đặc thù nên không thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã. Vì vậy, Chủ tịch UBND xã phân công 1 công chức phụ trách hành chính công, 1 cán bộ không chuyên trách hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận Một cửa. Ngoài ra, có 1 viên chức của Bưu điện xã hỗ trợ tiếp nhận các hồ sơ lĩnh vực y tế, xã hội. Xã đoàn thành lập Đội thanh niên tình nguyện “Bình dân học vụ số”, gồm 8 đoàn viên; mỗi buổi phân công 2 đoàn viên trực để hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn TTHC theo giờ hành chính. Đoàn viên còn trực tiếp đến nhà dân tuyên truyền và vận động người dân cài đặt các ứng dụng số.

Bên cạnh kết quả bước đầu đạt được trong quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, các địa phương trên còn gặp một số khó khăn cần sớm được tháo gỡ. Đơn cử tại 2 xã Phong Nẫm và Cù Lao Dung còn thiếu nhiều trang thiết bị như: máy lấy số tự động, thiết bị tra cứu thông tin TTHC; hệ thống máy vi tính hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, việc thu phí, lệ phí còn thực hiện thủ công do phần mềm dịch vụ công chưa cấu hình thu phí điện tử; hệ thống thông tin đất đai chưa được triển khai, phân quyền đến xã, nên chưa tiếp nhận được các TTHC liên quan đến đất đai thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã.

Theo bà Huỳnh Phương Kiều, Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm, địa phương được HĐND thành phố giao 25 biên chế, nhưng đến nay chỉ có 11 biên chế có mặt, còn thiếu 14 biên chế, nhất là công chức chuyên môn giải quyết TTHC cho người dân. Vì vậy, UBND xã kiến nghị thành phố bổ sung nhân sự, nhất là nhân sự có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin; kiến nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường sớm cài đặt phần mềm, phân quyền cho cấp xã tham gia quy trình tiếp nhận và giải quyết TTHC liên quan đến đất đai.

Ông Dương Văn Tiếng, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Cù Lao Dung, cho biết: “Phần mềm hộ tịch bị lỗi, số liệu chưa đầy đủ, đặc biệt là thủ tục liên thông nên việc tiếp nhận và trả kết quả bằng biện pháp thủ công. Đối với hồ sơ lĩnh vực đất đai, Trung tâm chuyển hồ sơ về Phòng Kinh tế xử lý, nhưng hiện chưa có tài khoản trên phần mềm đất đai và phôi giấy nên quá trình xử lý gặp khó khăn”.

Đoàn công tác Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố cũng đã kiểm tra tình hình hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công các xã: Trường Long, Trường Long Tây, Vĩnh Trinh, Thạnh Quới, Tân Lộc và Thốt Nốt. Qua đó, ghi nhận một số khó khăn về trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số, nhân sự lĩnh vực công nghệ thông tin và các chuyên ngành khác.

Theo bà Lê Xuân Hoa, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố, nội dung kiểm tra hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã gồm: việc tiếp nhận và giải quyết TTHC; việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa và Cổng Dịch vụ công quốc gia; tình hình an toàn, an ninh mạng trong sử dụng, khai thác, vận hành hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố. Qua kiểm tra nhằm ghi nhận những mô hình hay, sáng tạo và khó khăn, vướng mắc của các địa phương. Từ đó đề xuất, kiến nghị với UBND thành phố để có hướng dẫn, giải quyết khó khăn của các địa phương, nhất là công tác nhân sự, đầu tư trang bị cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện làm việc của công chức, đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC của người dân, đảm bảo thông suốt và hiệu quả.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết