22/07/2025 - 18:03

Trung Quốc khởi công đập thủy điện lớn nhất thế giới 

Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện dự án xây đập thủy điện siêu lớn ở hạ lưu sông Nhã Lỗ Tạng Bố, trong bối cảnh Ấn Độ và Bangladesh lo ngại về tác động tiềm tàng của con đập.

Đập thủy điện mới của Trung Quốc dự kiến tạo ra lượng điện tương đương với lượng điện Anh tiêu thụ trong một năm. Ảnh: China Daily

Tại lễ khởi công công trình đập thủy điện Nhã Lỗ Tạng Bố ngày 19-7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường mô tả đây là “dự án của thế kỷ”. Công trình này bao gồm 5 nhà máy thủy điện bậc thang với tổng vốn đầu tư khoảng 1.200 tỉ nhân dân tệ (168 tỉ USD).

Thủ tướng Lý nhấn mạnh cần đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn sinh thái để ngăn ngừa thiệt hại môi trường. Ông kêu gọi những nỗ lực tỉ mỉ trong việc di dời và tái định cư các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng bởi dự án, cũng như kết hợp việc phát triển cơ sở hạ tầng với tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Trung Quốc phê duyệt siêu dự án này vào tháng 12-2024. Đập thủy điện trên con sông dài nhất Tây Tạng dự kiến có công suất gấp 3 lần đập Tam Hiệp ở Trường Giang thuộc miền Trung Trung Quốc và vượt xa bất cứ công trình hạ tầng nào trên thế giới. Khi vận hành vào khoảng thập niên 2030, đập thủy điện Nhã Lỗ Tạng Bố sẽ tạo ra gần 300 tỉ kWh điện/năm, đủ đáp ứng nhu cầu hàng năm của hơn 300 triệu người. Để so sánh, đập Tam Hiệp hiện có công suất lắp đặt lớn nhất thế giới là 88,2 tỉ kWh với kinh phí xây dựng xấp xỉ 35 tỉ USD.

Vị trí xây đập trên sông Nhã Lỗ Tạng Bố có tiềm năng thủy điện to lớn, ước tính cung cấp 70 triệu kilowatt điện cho Trung Quốc vì hạ lưu sông có độ dốc 2.000m trong quãng đường chỉ 50km.

Tuy nhiên, con đập sẽ được xây dựng ở một trong những vùng mưa nhiều nhất của Trung Quốc đại lục, đặt ra những thách thức kỹ thuật chưa từng có. Để khai thác tiềm năng thủy điện của dòng sông, dự án sẽ phải khoan 4-6 đường hầm dài 20km qua núi Namcha Barwa nhằm chuyển hướng một nửa lưu lượng dòng chảy của sông với tốc độ khoảng 2.000m3/giây. Ngoài ra, vị trí dự án nằm dọc ranh giới mảng kiến tạo nơi có thể xảy ra động đất và địa chất của cao nguyên cũng khác biệt nhiều so với đồng bằng.

Mở rộng năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon và các mục tiêu kinh tế ở Tây Tạng là những lý do mà Trung Quốc viện dẫn để xây đập thủy điện Nhã Lỗ Tạng Bố. Tập đoàn Yajiang China đảm bảo việc xây dựng và vận hành suôn sẻ dự án này, chủ yếu cung cấp điện cho tiêu dùng bên ngoài đồng thời đáp ứng nhu cầu tại khu vực.

Ngoài sản xuất điện, con đập mới sẽ thể hiện năng lực kỹ thuật của Trung Quốc, củng cố vị thế dẫn đầu của nước này trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng thủy lực trong nước và quốc tế. Dự án không chỉ là sáng kiến năng lượng mà còn là nền tảng của chiến lược an ninh quốc gia của Trung Quốc, cung cấp nguồn nước và ổn định kinh tế. Đập nước này dự kiến sẽ tạo ra thu nhập 3 tỉ USD cho Tây Tạng mỗi năm, qua đó tăng thêm quyền kiểm soát và sự hiện diện của Bắc Kinh trong khu vực này.

Ấn Độ phàn nàn

Tuy nhiên, dự án của Trung Quốc có khả năng tác động đến hàng triệu người dân ở hạ lưu thuộc Ấn Độ và Bangladesh.

Sông Nhã Lỗ Tạng Bố chảy qua cao nguyên Tây Tạng, xói mòn hẻm núi sâu nhất trên Trái đất và có chênh lệch độ cao 7.667m trước khi đổ vào Ấn Độ, nơi con sông này mang tên Brahmaputra.

Hồi tháng 1 năm nay, New Delhi đã bày tỏ quan ngại với Bắc Kinh về dự án, lưu ý rằng sẽ “giám sát và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình”. Bộ Ngoại giao Ấn Độ thúc giục Trung Quốc “đảm bảo lợi ích của các quốc gia hạ nguồn sông Brahmaputra không bị tổn hại bởi các hoạt động ở khu vực thượng nguồn”.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trấn an rằng dự án sẽ không có bất kỳ “tác động tiêu cực” nào đến hạ lưu, đồng thời cho biết nước này “sẽ duy trì liên lạc với các quốc gia ở hạ lưu sông”.

Ấn Độ lo ngại quy mô và kích thước khổng lồ của đập thủy điện Nhã Lỗ Tạng Bố có thể cho phép Trung Quốc kiểm soát dòng chảy, đặt ra mối đe dọa chiến lược đối với lợi ích của nước này. Theo báo cáo năm 2020 của Viện Lowy (Úc), việc kiểm soát các con sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng mang lại cho Trung Quốc đòn bẩy đáng kể đối với nền kinh tế Ấn Độ.

Đứng trước thách thức trên, Ấn Độ đã đẩy nhanh kế hoạch xây đập thủy điện và hồ chứa lớn. New Delhi tính chi 1 tỉ USD để tăng tốc việc xây 12 nhà máy thủy điện ở bang Arunachal Pradesh. Tuy nhiên, việc xây dựng những con đập trong hệ sinh thái mong manh của dãy Himalaya đặt ra những thách thức kỹ thuật rất lớn cho quốc gia Nam Á.

Trung Quốc, quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới, đang triển khai một chương trình mở rộng năng lượng tái tạo quy mô lớn nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải và ổn định nguồn cung cấp điện. Nước này có hàng chục ngàn dự án thủy điện, nhiều nhất trên hành tinh. Các con sông ở Tây Tạng nắm giữ hơn 1/3 tiềm năng thủy điện của Trung Quốc, khiến nơi đây trở thành nguồn tài nguyên quan trọng cho các mục tiêu năng lượng tái tạo của đất nước.

 

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết