Qua hàng trăm năm tồn tại, múa Rô băm đang được gìn giữ như một phần không thể tách rời khỏi đời sống văn hóa của đồng bào Khmer ở xã Tài Văn, TP Cần Thơ. Trong bối cảnh hiện đại, loại hình nghệ thuật này đang đứng trước nhiều thách thức, nhưng cũng mở ra cơ hội mới nhờ những nỗ lực bảo tồn của các cấp, các ngành và đồng bào Khmer ở địa phương.

Nghệ thuật Rô băm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019. Ảnh: VĂN SÔNG
Xã Tài Văn có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Năm 2019, nghệ thuật Rô băm của người Khmer tại xã Tài Văn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 446 ngày 29-1-2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc nghệ thuật Rô băm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đặt ra không ít thách thức cho địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Phạm vi biểu diễn ngày càng thu hẹp, trong khi hoạt động nghệ thuật chủ yếu mang tính “thời vụ”, khiến không ít người không còn mặn mà với nghề, làm phai nhạt dần những tinh hoa văn hóa truyền thống.
Hiện nay, tại xã Tài Văn, chỉ có duy nhất gia đình nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương ở ấp Bưng Chông, còn duy trì đoàn múa Rô băm theo hình thức “cha truyền con nối”. Theo bà Lâm Thị Hương, Trưởng Đoàn Rô băm Bưng Chông, đoàn được thành lập từ năm 1933 và đã trải qua 6 thế hệ. “Cha mẹ tôi luôn dặn dò phải giữ gìn nghệ thuật này. Tôi rất yêu Rô băm. May mắn là con cháu trong gia đình vẫn tiếp nối nên đoàn mới còn được duy trì đến ngày hôm nay” - bà Hương chia sẻ.
Những năm qua, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn Rô băm. Đoàn Rô băm ở Tài Văn đã được Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội mời ra phục dựng sân khấu cổ Rô băm, giúp giới thiệu rộng rãi hơn về nghệ thuật này. Năm 2024, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trần Đề (cũ) phối hợp với Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng tổ chức các lớp truyền dạy múa Rô băm tại cơ sở. Các học viên được nghệ sĩ của Đoàn Bưng Chông hướng dẫn tận tình về động tác, điệu bộ, cách hóa thân nhân vật…
Đặc biệt, ngày 7-2-2024, UBND tỉnh Sóc Trăng (cũ) đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật Rô băm của người Khmer và Lễ hội Nghinh Ông tại huyện Trần Đề, giai đoạn 2023-2028”. Đề án không chỉ hướng đến việc gìn giữ, mà còn khai thác giá trị di sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tạo nền tảng cho phát triển du lịch văn hóa đặc sắc của địa phương.
Năm 2024, thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã Tài Văn đã thành lập Câu lạc bộ múa Rô băm với 18 thành viên, chủ yếu ở độ tuổi 15-18. Từ nguồn kinh phí của dự án này, xã đã đầu tư trang phục, đạo cụ, âm thanh, sân khấu... cho Câu lạc bộ. Nhờ đó, sau thời gian tập luyện, sinh hoạt trong Câu lạc bộ, các thành viên đã có thể biểu diễn tại nhiều điểm chùa trong các dịp lễ lớn của đồng bào Khmer như: Dâng y Kathina, Lễ hội Ok Om Bok - đua ghe ngo…
Chị Thạch Na Qui, con gái nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương, hiện là diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng và là người trực tiếp truyền dạy nghệ thuật múa Rô băm cho các thành viên Câu lạc bộ múa Rô băm xã Tài Văn. “Các bạn trẻ rất yêu thích múa Rô băm nên học rất nhanh và có đam mê thật sự” - chị Na Qui phấn khởi nói.
Theo ông Thạch Quốc Thái, Trưởng Phòng Văn hóa - Xã hội xã Tài Văn, nghệ thuật Rô băm đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Xã sẽ tiếp tục quảng bá loại hình nghệ thuật này, từng bước đưa Câu lạc bộ múa Rô băm tham gia trình diễn tại các sự kiện, lễ hội lớn. “Chúng tôi sẽ phối hợp Câu lạc bộ để xây dựng kế hoạch, lộ trình biểu diễn bài bản. Qua đó phát huy hiệu quả giá trị văn hóa của múa Rô băm trong đời sống hiện đại” - ông Thái nhấn mạnh.
Rô băm là loại hình kịch múa cổ điển trên sân khấu cung đình của người Khmer xưa. Đây là loại hình nghệ thuật có sự kết hợp rất đa dạng nhiều yếu tố nghệ thuật: ca, kịch, múa, nghệ thuật thể hiện ngôn ngữ hành động.
Theo thời gian, nội dung các tuồng tích trong sân khấu Rô băm dần được người Khmer chuyển thể gần gũi hơn với đời sống, tâm tư, tình cảm của người lao động. Nghệ thuật Rô băm vừa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, vừa mang tính triết lý, giáo dục sâu sắc, phản ánh, truyền đạt những ý tưởng tín ngưỡng, tôn giáo đến đông đảo công chúng.
|
QUỐC KHA