Là một trong những chương trình gây tranh cãi nhất của Lầu Năm Góc, máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ 5 do Mỹ phát triển đang đóng vai trò trụ cột đối với lực lượng không quân của nhiều nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

F-35 đảm bảo duy trì và định nghĩa lại sự thống trị trên không trong nhiều thập kỷ tới. Ảnh: lockheedmartin
Trong số 32 quốc gia NATO, có 14 nước gồm Mỹ, Anh, Ý, Na Uy, Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ, Ba Lan, Đức, Phần Lan, Canada, Cộng hòa Séc, Romania và Hy Lạp đang vận hành hoặc có kế hoạch đưa vào triển khai chiến đấu cơ tàng hình siêu thanh F-35 Lightning II do Lockheed Martin sản xuất.
Về bản chất, F-35 sở hữu 3 đặc điểm cải tiến mà hầu hết máy bay phản lực cũ của NATO không có được, đó là khả năng sống sót cao, khả năng tích hợp và tiêu chuẩn hóa. Thậm chí, Anh gần đây còn tuyên bố mua biến thể F-35A để làm vũ khí răn đe hạt nhân. Hiện nay, trước mạng lưới phòng không hiện đại như của Trung Quốc hoặc Nga, hầu hết các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 như F-16 hay Eurofighter dù trang bị thiết bị gây nhiễu hay mồi nhử tốt nhất cũng không thể tiếp cận mục tiêu mà không bị phát hiện. Ngược lại, F-35 tuy không phải bất khả chiến bại nhưng công nghệ tàng hình thiết yếu đủ để dòng máy bay chiến đấu này sống sót trong môi trường xung đột.
Hoạt động như một nền tảng cảm biến, F-35 cũng “đủ thông minh” để thực hiện nhiều nhiệm vụ thay vì chỉ phóng tên lửa. Theo đó, máy bay sẽ thu thập dữ liệu về radar, mục tiêu, các mối đe dọa, tác chiến điện tử và truyền tải đến những máy bay khác hoặc đơn vị mặt đất, tăng cường đáng kể khả năng các nền tảng trên không, trên biển, không gian được kết nối mạng. Điều này cho thấy giá trị của F-35 như nút thắt trong mạng lưới chỉ huy và kiểm soát rộng lớn mà các đồng minh NATO sẽ dựa vào trong một cuộc chiến chung.
Về điểm mạnh thứ 3, F-35 gần như đáp ứng nhu cầu của NATO trong nỗ lực tiêu chuẩn hóa trang thiết bị quân sự để cải thiện hơn nữa khả năng tương tác và phối hợp tác chiến giữa các nước thành viên. Trước nay, không quân NATO quen với việc bay cùng nhau nhưng sự phối hợp đó trở nên phức tạp khi mỗi bên điều khiển những dòng chiến đấu cơ có chức năng, hệ thống vũ khí, liên kết dữ liệu và nhu cầu bảo trì khác nhau. Với F-35, tất cả đều được đơn giản hóa khi phi công được huấn luyện trên cùng một hệ thống mô phỏng. Đội ngũ bảo trì thì làm việc dựa trên một cẩm nang với các bộ phận, quy trình và kiểm tra chung. Phụ tùng thay thế, cập nhật phần mềm và tích hợp vũ khí cũng rẻ và dễ dàng hơn.
Thay cho những nghi vấn xung quanh hiệu quả chiến đấu, F-35 đang dần chứng tỏ khả năng trên thực địa sau khi được Mỹ triển khai trong các chiến dịch ở Iraq, Syria, Afghanistan và nhiều đợt không kích chống lại phiến quân Houthi tại Yemen. Gần đây nhất, phiên bản đặc biệt F-35I “Adir” do Israel tùy chỉnh nhận được nhiều quan tâm sau những lần được sử dụng để tấn công hệ thống phòng không cùng nhiều cơ sở hạt nhân Iran trong Chiến dịch “Sư tử Trỗi dậy”.
Dù vậy, việc F-35 đóng vai trò nòng cốt trong lực lượng không quân NATO vẫn dấy lên nhiều lo ngại, nhất là khi quá nhiều nước đặt cược vào một nền tảng duy nhất. Trường hợp lỗi phần mềm hoặc sự cố phần cứng nghiêm trọng khiến một phần phi đội F-35 phải dừng hoạt động, nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các quốc gia khi không có nhiều phương án thay thế khả thi.
Ngoài ra còn có vấn đề chi phí và độ phức tạp về chuyên môn. Theo báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm Giải trình của Chính phủ Mỹ (GAO), việc vận hành F-35 rất tốn kém với chi phí dao động từ 26.400 - 39.000 USD/mỗi giờ bay. Nó cũng đòi hỏi cơ sở hạ tầng chuyên biệt và sự hỗ trợ của nhà thầu, dẫn tới sự phụ thuộc ở những quốc gia nhỏ hơn.
Để giảm thiểu những “điểm nghẽn” trên, NATO đã cho xây dựng các trung tâm bảo dưỡng khu vực. Theo đó, máy bay sẽ được lắp ráp tại Ý trong khi Hà Lan đảm nhiệm các công đoạn bảo dưỡng phức tạp. Phụ tùng cùng các nhu yếu phẩm khác cũng được giao cho nhiều đối tác khác. Song, giới chuyên môn cho rằng tất cả điều này vẫn còn kém nhiều nếu so với loại hình hậu cần tự chủ đã được phát triển ở khu vực để hỗ trợ thế hệ máy bay phản lực cũ.
MAI QUYÊN (Theo taskandpurpose, lockheedmartin)