22/07/2025 - 08:48

Vì sao không nên uống cà phê sau buổi trưa? 

Nhiều người thường uống một ly cà phê vào đầu giờ chiều để duy trì sự tỉnh táo cho đến cuối ngày. Nhưng các nhà khoa học Canada vừa cảnh báo việc uống cà phê sau buổi trưa có thể khiến não bộ chuyển sang trạng thái dễ bị kích động và năng động hơn vào ban đêm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức năng lượng cơ thể.

Uống cà phê sau buổi trưa có thể thay đổi hoạt động não bộ và ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ vào ban đêm. Ảnh: Business Insider

Để đi đến kết luận trên, các chuyên gia tại Đại học Montreal đã phân tích sức khỏe giấc ngủ của 40 người khỏe mạnh từ 20-58 tuổi, tiêu thụ caffeine - chất kích thích chính trong cà phê - ở mức độ vừa phải. Những người tham gia trải qua 2 đêm tại phòng khám giấc ngủ, gồm 1 đêm có uống 200mg caffeine (khoảng 2 ly cà phê) và 1 đêm uống giả dược. Chất lượng giấc ngủ của họ được theo dõi bằng phương pháp điện não đồ (EEG), trong đó, thiết bị đeo giúp ghi lại hoạt động của bộ não bằng cách thu thập các tín hiệu điện do não tạo ra.

Kết quả phân tích cuối cùng cho thấy caffeine chủ yếu ảnh hưởng đến hoạt động não bộ trong giai đoạn giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (Non-REM). Giai đoạn này được chia thành 3 giai đoạn nhỏ, gồm khi vừa ngủ, rồi chuyển từ giấc ngủ nông sang giấc ngủ sâu. Tại thời điểm này, nhịp thở, hoạt động não bộ và nhịp tim thường chậm lại, nhiệt độ cơ thể giảm và chuyển động mắt ngừng lại. Đây là một giai đoạn phục hồi sức khỏe rất tốt, giúp cơ thể sửa chữa mô và cơ, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy việc tiêu thụ caffeine sau buổi trưa có tác động tiêu cực đến giai đoạn quan trọng này, dẫn đến giấc ngủ kém phục hồi hơn. Caffeine khiến giấc ngủ nông hơn, đồng thời tăng cường xử lý thông tin trong giai đoạn ngủ, thời điểm não bộ lẽ ra phải đi vào trạng thái nghỉ ngơi, phục hồi sâu.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng phân tích xem tuổi tác ảnh hưởng ra sao đến tác động của caffeine lên não bộ và sức khỏe giấc ngủ. Nhìn chung, người từ 20-27 tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi tác dụng kích thích của caffeine trong giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh (REM) hơn so với người tuổi trung niên. Điều này có thể là do người lớn tuổi có ít thụ thể adenosine hơn trong não. Adenosine là một chất hóa học tích tụ trong não khi chúng ta thức, cuối cùng khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi.

5 thói quen uống cà phê gây hại sức khỏe

+ Uống cà phê quá muộn trong ngày. Thành phần caffeine trong cà phê, có thể lưu lại trong máu vài giờ, gây ảnh hưởng đến chu kỳ ngủ - thức tự nhiên của cơ thể. Nghiên cứu cho thấy uống cà phê, dù 6 tiếng trước khi đi ngủ, cũng có thể làm giảm đáng kể thời lượng và chất lượng giấc ngủ.

+ Uống cà phê không lọc. Mặc dù được ưa chuộng vì hương vị đậm đà, nhưng những phương pháp pha chế cà phê không lọc chứa hàm lượng hợp chất diterpene cao hơn, mà cụ thể là kahweol và cafestol. Các chất này đã được chứng minh là làm tăng nồng độ cholesterol “xấu” LDL, tức là cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như đau tim và đột quỵ.

+ Thêm nhiều đường vào cà phê. Thêm một lượng lớn đường, siro có hương vị hoặc kem vào cà phê có thể biến một thức uống bổ dưỡng thành nguồn cung cấp calo rỗng và đường bổ sung. Dung nạp lượng đường cao có thể dẫn tới béo phì, tiểu đường tuýp 2, tăng huyết áp và cả các vấn đề sức khỏe tâm thần, cũng như dễ làm rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột.

+ Uống cà phê ngay sau khi thức dậy. Thói quen này có thể cản trở quá trình sản xuất cortisol, loại hoóc-môn giúp điều chỉnh mức năng lượng tự nhiên của cơ thể. Uống cà phê quá sớm trong ngày cũng có thể làm gián đoạn adenosine, chất dẫn truyền thần kinh giúp thúc đẩy giấc ngủ ngon và cân bằng sự tỉnh táo.

+ Uống cà phê thay cho bữa ăn cân bằng dinh dưỡng. Mặc dù cà phê có thể làm giảm cảm giác thèm ăn và hỗ trợ giảm cân, nhưng nó chỉ phù hợp để dùng trong bữa ăn. Cà phê thiếu các dưỡng chất thiết yếu như prôtêin, chất xơ, chất béo lành mạnh và vitamin cần thiết cho năng lượng bền vững, cân bằng lượng đường trong máu và sức khỏe trao đổi chất.

AN NHIÊN (Theo Daily Mail, TOI)

Chia sẻ bài viết