19/02/2025 - 22:15

Vị thế của Saudi Arabia trong cuộc hội đàm Nga - Mỹ 

Việc đứng ra tổ chức đối thoại cấp cao giữa Nga và Mỹ nhấn mạnh tham vọng của Saudi Arabia trở thành thế lực toàn cầu với khả năng hòa giải thành công các cuộc xung đột quốc tế. Ðây cũng là cơ hội để Riyadh có thêm “đòn bẩy” trong các cuộc đàm phán về số phận của Dải Gaza hậu chiến.

Các quan chức Mỹ và Nga hội đàm tại Saudi Arabia ngày 18-2. Ảnh: Reuters

Ngày 18-2, thủ đô Riyadh của Saudi Arabia đã trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế khi nơi đây diễn ra cuộc hội đàm giữa hai phái đoàn Nga - Mỹ, bàn về nỗ lực khôi phục quan hệ song phương và giải pháp hòa bình cho xung đột Ukraine.

Gia tăng “quyền lực mềm”

Tổ chức cuộc hội đàm được coi như một chiến thắng đối với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. “Tôi không nghĩ có quốc gia nào khác mà nhà lãnh đạo có quan hệ cá nhân tốt với cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin”, nhà bình luận Ali Shihabi nói. Cuộc hội đàm này gia tăng “quyền lực mềm” của Saudi Arabia ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Vai trò trung gian của Thái tử bin Salman trong các cuộc đàm phán bắt nguồn từ quan hệ thân thiết của ông với Tổng thống Trump, người đã ủng hộ nhà lãnh đạo trẻ này sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Năm 2017, ông Trump đã phá vỡ truyền thống khi chọn Saudi Arabia là quốc gia đầu tiên đến thăm sau khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên.

Song song đó, Thái tử bin Salman cũng duy trì quan hệ nồng ấm với Tổng thống Putin. Vị Thái tử này đã không cô lập Mát-xcơ-va sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, bất chấp sức ép từ phương Tây. Ông bin Salman đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhà lãnh đạo Nga để kiểm soát nguồn cung dầu toàn cầu. Trong năm 2022, Thái tử bin Salman thậm chí đứng về phía Nga khi bác bỏ lời kêu gọi của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc tăng sản lượng dầu.

Giới phân tích đánh giá việc Saudi Arabia bảo vệ các mối quan hệ trong thế giới ngày càng phân cực đã gặt hái những lợi ích. Quốc gia này đóng vai trò đáng kể trong vụ Nga trả tự do cho giáo viên người Mỹ Mark Fogel vào tuần rồi. Saudi Arabia cùng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng đã thành công khi làm trung gian cho một số cuộc trao đổi tù nhân Nga - Ukraine.

Về lâu dài, Saudi Arabia có thể muốn tận dụng vai trò trung gian giữa Nga và Mỹ để giải quyết một vấn đề cấp bách của khu vực là số phận của Dải Gaza. Tổng thống Trump hồi đầu tháng đã gây tranh cãi khi đề xuất Mỹ sẽ tiếp quản Gaza và di dời vĩnh viễn người dân Palestine khỏi dải đất này.

Các nước Arab đã ngay lập tức bác bỏ ý tưởng đó và cũng sắp họp khẩn để thảo luận về kế hoạch tái thiết Gaza, thay thế đề xuất của ông Trump.

“Thông qua việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu chấm dứt xung đột Ukraine của ông Trump, Saudi Arabia đang ở vị trí thuận lợi để giành thiện chí từ Washington. Vương quốc này có thể tận dụng lợi thế gia tăng để giúp thu hẹp khoảng cách lập trường giữa Mỹ và các nước Arab về số phận Gaza”, Hasan Alhasan, thành viên cấp cao về chính sách Trung Ðông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Bahrain),
nhận định.

Những kết quả tích cực trong hội đàm Nga - Mỹ

Cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ Marco Rubio tại Riyadh đã đạt được kết quả tích cực, theo góc nhìn từ cả hai phía.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm, Ngoại trưởng Lavrov cho biết một trong những bước đầu tiên được thống nhất trong cuộc họp là giải quyết dứt điểm vấn đề liên quan đến các phái bộ ngoại giao. Dưới thời ông Biden, cả hai nước đã trục xuất số lượng lớn nhân viên ngoại giao của nhau, khiến quan hệ song phương bị gián đoạn.

Theo cuộc họp, Nga và Mỹ đã cam kết bổ nhiệm đại sứ tại mỗi nước trong thời gian sớm nhất, đồng thời loại bỏ các rào cản mà chính quyền ông Biden đã dựng lên để gây trở ngại nghiêm trọng cho hoạt động của các phái bộ ngoại giao Nga và cản trở phát triển quan hệ song phương.

Các quan chức cấp thứ trưởng ngoại giao hai nước sẽ sớm gặp nhau để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng.

Trợ lý của Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov, gọi đây là “cuộc thảo luận rất nghiêm túc về tất cả các vấn đề hai bên quan tâm”, nhấn mạnh hai nước đã đồng ý tính đến lợi ích của nhau và phát triển quan hệ song phương. Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố cho biết Washington và Mát-xcơ-va đã đồng ý “thiết lập cơ chế tham vấn nhằm giải quyết những trở ngại trong quan hệ song phương với mục tiêu bình thường hóa hoạt động của các phái đoàn ngoại giao hai nước”.

Về cuộc xung đột Ukraine, ông Ushakov cho biết mặc dù Mát-xcơ-va và Washington đã nêu rõ lập trường của mình về cuộc chiến, nhưng việc đạt được tiến bộ trong vấn đề này sẽ phụ thuộc vào các nhóm đàm phán của hai nước trong thời gian tới. Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố cho biết hai nước đã nhất trí chỉ định các nhóm cấp cao để bắt đầu làm việc “nhằm chấm dứt xung đột Ukraine một cách bền vững và được tất cả các bên chấp nhận”.

Tổng thống Trump cũng đã đánh giá tích cực về kết quả cuộc đàm phán tại Riyadh và cho biết ông “tự tin hơn nhiều” vào việc có thể đạt được thỏa thuận để giải quyết xung đột Ukraine. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Mar-a-Lago ngày 18-2, ông Trump đã để ngỏ khả năng sẽ gặp người đồng cấp Nga Putin trước cuối tháng này.

Theo giới phân tích, kết quả cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa Nga và Mỹ tại Saudi Arabia chỉ là bước đi ban đầu và còn quá sớm để khẳng định về một sự “tan băng” hoàn toàn trong quan hệ Nga - Mỹ, đặc biệt là về vấn đề Ukraine. Mặc dù vậy, những dấu hiệu tích cực gần đây cũng mang lại hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho quan hệ Nga - Mỹ, đồng thời mở ra cơ hội để các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết