09/07/2017 - 19:10

Vì sao vấn đề hạt nhân Triều Tiên khó giải quyết?

Một lý do khiến vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng trở nên nan giải là bởi trong số những quốc gia đóng vai trò quan trọng, ngay cả giữa các đồng minh, có những mong muốn và ưu tiên khác nhau, theo AP.

Đối với Hàn Quốc, ước mơ lớn nhất là Bán đảo Triều Tiên thống nhất dưới sự dẫn dắt của Seoul và những giá trị của nước này. Còn đối với Triều Tiên, không có gì quan trọng hơn sự tồn tại của họ. Vì thế, nước này muốn Mỹ từ bỏ "chính sách thù địch", muốn đàm phán trực tiếp về một hiệp ước hòa bình để chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, thay cho lệnh đình chiến đạt được hồi năm 1953. Bình Nhưỡng còn đòi Mỹ phải chấm dứt các cuộc tập trận chung thường niên với Hàn Quốc.

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 4-7. Ảnh: AP

Trong khi đó, ưu tiên hàng đầu của Mỹ là giải trừ vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, không những kiên trì với tham vọng hạt nhân, những năm gần đây Triều Tiên còn tăng tốc chương trình vũ khí của họ. Điều này đặt ra một ưu tiên khác có phần cấp bách hơn đối với Washington: vừa ngăn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân có khả năng vươn tới xứ cờ hoa, vừa bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản vốn nằm trong tầm bắn của tên lửa Bình Nhưỡng. Do vậy, Mỹ phản đối đề xuất của Trung Quốc và Nga về việc ngừng các cuộc tập trận với Hàn Quốc để đổi lấy sự nhượng bộ từ Bình Nhưỡng, cũng như rút gần 28.500 binh sĩ Mỹ đang đóng trên Bán đảo Triều Tiên.

Được xem như một đồng minh của Triều Tiên nên Trung Quốc đang chịu áp lực rất lớn trong việc ngăn chặn các hành động khiêu khích của nước này. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định mình không có nhiều ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng. Trong khi không thể ngay lập tức trở lại đàm phán 6 bên về vấn đề Triều Tiên như Trung Quốc mong muốn, nước này trước mắt yêu cầu các bên tạm thời "đóng băng" hoạt động của mình, trong đó Bình Nhưỡng tạm ngưng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, còn Mỹ- Hàn ngừng tập trận quy mô lớn. Điều này có thể tạo điều kiện cho những cuộc đàm phán, hạ nhiệt căng thẳng và duy trì hiện trạng.

Riêng Nhật Bản do nằm gần Triều Tiên nên muốn sử dụng đòn bẩy thông qua ngoại giao, chẳng hạn như đàm phán 6 bên để chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và những nỗ lực song phương để hồi hương các công dân nước này bị bắt cóc đưa sang Triều Tiên cách đây nhiều thập niên.

Mỹ tìm cách ngăn chặn "mối đe dọa" Triều Tiên

Bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế lớn và mới nổi (G20) vừa kết thúc tại Đức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tranh thủ tìm kiếm sự nhất trí của các quốc gia đồng minh châu Á đối với giải pháp ngăn chặn "mối đe dọa" Triều Tiên sau vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hôm 4-7.

Sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Trump, Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo đã cam kết "tăng gấp đôi nỗ lực tập hợp tất cả các quốc gia để cho Triều Tiên thấy rằng sẽ có hậu quả vì những hành động trái phép và đe dọa".

Còn trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chủ nhân Nhà Trắng khẳng định "phải làm điều gì đó với Triều Tiên".

Đáp lại, Triều Tiên ngày 9-7 đã lên án Mỹ về cuộc tập trận quân sự mới đây nhất với Hàn Quốc, trong đó có sự tham gia của các máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-1B. Bình Nhưỡng gọi đây là hành động khiêu khích liều lĩnh có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh tổng lực trên Bán đảo Triều Tiên.

THANH BÌNH (Theo AP, AFP)

Chia sẻ bài viết