19/07/2024 - 18:22

Vì sao Trung Quốc “tích trữ tài nguyên”? 

Từ ngũ cốc, dầu thô cho tới khoáng sản, giới phân tích cho biết Trung Quốc dường như đang tích trữ nguồn tài nguyên quan trọng ở mức cao hơn bình thường. Thông tin này gây nhiều chú ý, đặc biệt khiến Mỹ cảnh giác trước câu hỏi về mục đích của Bắc Kinh.

Hoạt động bí mật 

Cục Dự trữ Chiến lược và Lương thực Quốc gia là cơ quan quản lý chính kho dự trữ của Trung Quốc. Tất cả thông tin đều thuộc diện mật và được bảo vệ chặt chẽ. Điều này khiến giới chuyên môn khó theo dõi và đưa ra đánh giá chính xác. Tuy nhiên, dựa vào thông tin truyền thông khai thác gần đây, các nhà phân tích tin rằng hoạt động tích lũy tài nguyên đang được thúc đẩy ở Trung Quốc.

Đường sá ngập trong nước lũ sau trận mưa lớn ở Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Chẳng hạn như dầu thô, công ty phân tích Vortexa và những nguồn giao dịch cho biết Trung Quốc đã yêu cầu các công ty dầu khí nhà nước bổ sung 8 triệu tấn, tương đương 60 triệu thùng dầu thô vào kho dự trữ khẩn cấp. Nếu hoàn thành, đây sẽ là một trong các đợt dự trữ lớn nhất mà Trung Quốc thực hiện những năm gần đây. Bắc Kinh cũng để mắt đến coban, kim loại quan trọng để sản xuất pin xe điện. Theo báo cáo của hãng tin Bloomberg, Trung Quốc vài tháng tới có thể mua khoảng 15.000 tấn coban dự trữ. Đến năm 2025, công ty giao dịch chuyên ngành Darton Commodities ước tính Trung Quốc sở hữu hoặc vận hành tới 60% nguồn cung coban toàn cầu.

Lượng dự trữ đồng và quặng sắt, cả 2 mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu nhiều, cũng đang tăng lên. Cụ thể, lượng đồng tồn kho được đăng ký tại Sàn giao dịch hàng hóa Thượng Hải đã tăng lên 339.964 tấn, mức cao nhất trong 51 tháng tính đến ngày 7-6. Trong khi đó, Reuters dẫn số liệu hải quan cho thấy Trung Quốc năm ngoái nhập khẩu mức cao kỷ lục quặng sắt, đạt 1,18 tỉ tấn. Còn về ngũ cốc, công ty dự trữ nông sản nhà nước Sinograin đầu tháng 6 cho biết họ và các đơn vị liên kết sẽ tăng mua lượng lúa mì sản xuất trong năm nay từ các khu vực chính để dự trữ.

Tín hiệu báo động

Các nhà phân tích tin rằng có đủ bằng chứng để kết luận Bắc Kinh tăng cường dự trữ, nhưng khó xác định con số chính xác. Hoạt động này không mới với Trung Quốc, vốn có định nghĩa cao hơn về mức an toàn tối thiểu để đảm bảo an ninh quốc gia và ổn định kinh tế. Tuy vậy, tần suất và mức độ mà Bắc Kinh thực hiện gần đây có thể là tín hiệu báo động với những quốc gia khác.

Trong phiên điều trần hồi tháng 6, các thành viên Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung (USCC) của Quốc hội Mỹ đã lắng nghe nhóm chuyên gia trình bày về tác động của biện pháp tích trữ và huy động từ Trung Quốc, bao gồm ý kiến cho rằng có thể liên quan vấn đề Đài Loan. Theo cố vấn cấp cao Han-Shen Lin của The Asia Group, lo lắng này dựa trên cơ sở nhập khẩu của Trung Quốc nghiêng nhiều về hàng hóa có mục đích sử dụng kép như chất bán dẫn, dầu thô và sắt. Số lượng lớn hàng nhập khẩu cũng gần như vượt quá nhu cầu nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc.

Thừa nhận xu hướng bất thường đang diễn ra, một số ý kiến cho rằng điều đó không phản ánh nguy cơ xung đột. Đặc biệt khi xét tới khả năng sẵn sàng ứng phó, nhiều người tin Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn trước những thách thức về hậu cần và phản ứng tiềm tàng của quốc tế. Ngược lại, họ dự đoán nỗ lực tích trữ của Trung Quốc chủ yếu để đảm bảo khả năng vượt qua những “cú sốc”, đặc biệt là khi tình hình địa chính trị bất ổn và nhiều thách thức trong nước đang nổi lên. Biến đổi khí hậu cũng là động lực thúc đẩy Trung Quốc tích lũy tài nguyên. Đặc biệt với dân số 1,4 tỉ người, Trung Quốc đang phải nuôi sống gần 20% dân số thế giới trong khi chiếm chưa đến 10% diện tích đất canh tác của thế giới và 6% nguồn nước toàn cầu.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết