03/10/2009 - 09:33

Vì sao Anh muốn truy tố BAE?

Một góc trụ sở của Tập đoàn BAE. Ảnh: AFP

Với động thái bất ngờ hôm 1-10, Giám đốc Văn phòng chống gian lận Anh (SFO) Richard Alderman tuyên bố sẽ truy tố Tập đoàn quốc phòng BAE về tội tham nhũng và hối lộ. Theo ông Alderman, nếu BAE không chấp nhận mức phạt nặng 500 triệu bảng Anh vì những hành vi gian lận để có các hợp đồng bán vũ khí cho nước ngoài, SFO sẽ trình “cáo trạng” lên Tổng chưởng lý, chính thức khởi tố BAE.

BAE, tập đoàn quốc phòng lớn nhất châu Âu và đứng thứ 5 ở Mỹ, năm ngoái, đạt doanh thu 18 tỉ bảng từ các hợp đồng bán máy bay chiến đấu, tàu chiến, tàu ngầm và xe tăng. Mặc dù hiện đang được quảng cáo là nhãn hiệu của Anh, nhưng chi nhánh ở Mỹ cũng có quy mô ngang hàng.

Từ năm 2003, nhiều cáo buộc nhằm vào BAE về tội hối lộ các chính khách và quan chức nước ngoài, để có được các hợp đồng bán vũ khí béo bở. Cuộc điều tra lớn nhất đối với BAE diễn ra hồi năm 2006, khi BAE bị cáo buộc “lại quả” cho các nhà lãnh đạo Arabie Séoudite trong hợp đồng bán máy bay chiến đấu trị giá 43 tỉ bảng Anh. Tuy nhiên, dưới sức ép của chính quyền đương nhiệm ở thời điểm đó (khi ông Tony Blair còn làm Thủ tướng và Lord Goldsmith làm Tổng chưởng lý), SFO bị buộc phải tạm hủy cuộc điều tra.

Sau đó, SFO tiếp tục điều tra các cáo buộc BAE đã gian lận trong các hợp đồng bán vũ khí cho 4 nước: Tanzania, CH Czech, Nam Phi và Roumanie trong thập niên 1990. Các nhà phân tích cho rằng việc truy tố tội hối lộ của BAE có thể tác động chính trị lớn ở những nước dính vào vụ này. Nam Phi, nơi đảng Đại hội các dân tộc Phi (ANC) cầm quyền, đã nhiều lần bác bỏ yêu cầu mở rộng điều tra các hợp đồng vũ trang nhiều tỉ USD vào cuối thập niên 1990. Giai đoạn 1998-1999, BAE bán 28 máy bay chiến đấu Gripen, 24 máy bay Hawk, chiếm hơn một nửa số hợp đồng trang bị quốc phòng của Nam Phi.

Tại Tanzania, tranh cãi chủ yếu là liệu chính phủ Anh có xúc tiến việc bán hệ thống radar BAE trị giá 28 triệu bảng, vượt xa khả năng của một trong những nước nghèo nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) phản đối thương vụ này, vì nó diễn ra vào lúc Tanzaina được xóa nợ 2 tỉ USD. WB cho rằng hệ thống này là “lãng phí tiền” của WB. Các nhà điều tra hoài nghi 29% giá trị hợp đồng đã bị “bốc hơi” vào tài khoản của các quan chức Tanzania ở một ngân hàng Thụy Sĩ.

SFO cũng điều tra hợp đồng của BAE cho Czech thuê chiến đấu cơ Gripen trị giá hơn 1 tỉ bảng vào năm 2001. Cuộc điều tra được mở lại vào năm 2007, sau khi một báo cáo mật của cựu Ngoại trưởng Jan Kavan cho rằng các quan chức chủ chốt đã nhận hối lộ trong hợp đồng này.

Tại Roumanie, cuộc điều tra mở rộng xung quanh việc BAE bán 2 tàu khu trục HMS Coventry và HMS London vào năm 2003, mà các nhà điều tra nghi là bị “đội giá”. Các tàu này trị giá 250 triệu bảng được đóng năm 1989, nhưng được BAE mua lại với giá 100.000 bảng mỗi chiếc. BAE tân trang lại và “xoay xở” để có hợp đồng bán cho Roumanie với giá 116 triệu bảng. Barry George, thương gia người Anh, đã bị điều tra vì môi giới đưa hối lộ khoảng 7 triệu bảng.

BAE trong tất cả các trường hợp đều phủ nhận các cáo buộc chống lại họ. Tuy nhiên, Giám đốc Văn phòng chống gian lận Anh (SFO) Richard Alderman muốn đạt được một thỏa thuận với BAE, mà theo đó BAE sẽ bị phạt nặng và cam kết cải tổ. BAE không đáp ứng yêu cầu của SFO vào thời hạn chót hôm 30-9. Vì vậy, SFO quyết định sẽ truy tố BAE. Động thái này của ông Alderman nhận được sự ủng hộ của các nhà hoạt động chống tham nhũng, trong đó có nhiều người từng chỉ trích việc chính phủ Anh hủy cuộc điều tra năm 2006.

N.MINH (Theo Guardian, Reuters, The Time)

Một góc trụ sở của Tập đoàn BAE. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết