 |
Trực thăng của quân đội Mỹ ở khu vực biên giới Iraq-Syrie. Ảnh: AFP |
Chính quyền Syrie cáo buộc quân đội Mỹ hôm 26-10 đã xâm nhập biên giới nước này và giết chết 8 thường dân, trong đó có 5 thành viên trong một gia đình. Tuy Lầu Năm Góc và Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin trên, nhưng một quan chức quân đội Mỹ giấu tên thừa nhận cuộc tấn công là nhằm vào “mạng lưới hậu cần của các tay súng nước ngoài” từ Bắc Phi và các nơi khác vào Trung Đông thông qua Syrie. Vì Damas không có hành động ngăn cản, nên Washington phải xử lý vấn đề theo cách riêng của mình. Đây là cuộc tấn công đầu tiên của Mỹ nhằm vào mục tiêu bên trong lãnh thổ Syrie.
Cuộc tấn công diễn ra tại làng Sukkirayeh Farm, cách biên giới Iraq hơn 8 km. Theo hãng thông tấn Syrie (SANA), các lính đặc nhiệm Mỹ được 4 trực thăng thả xuống gần một tòa nhà đang xây dựng và nổ súng nhằm vào các công nhân. Các trực thăng sau đó rời khỏi Syrie hướng về phía Iraq. Chính quyền Syrie lập tức triệu tập Đại biện lâm thời Mỹ và Iraq ở Damas tới để giải thích vụ việc và kêu gọi chính quyền Iraq không cho phép Mỹ sử dụng căn cứ không quân của nước này thực hiện các cuộc tấn công như vậy. Damas cũng cảnh cáo Mỹ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành động gây hấn này.
Cuộc tấn công diễn ra trong lúc Syrie đang tiến thêm một bước trong nỗ lực thoát khỏi sự cô lập của phương Tây. Trong chuyến thăm Anh mới đây của Ngoại trưởng Walid al-Mualim, Syrie được phương Tây “khen” việc nước này thiết lập quan hệ ngoại giao với Liban, cũng như nỗ lực tự tạo khoảng cách với Iran. Hồi tháng 7 năm nay, Tổng thống Syrie Bashar al-Assad cũng được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên minh Địa Trung Hải ở Pháp. Nguyên Tư lệnh quân đội Mỹ tại Iraq (hiện là chỉ huy Bộ Tư lệnh trung tâm-CENTCOM), Tướng David Petraeus hồi năm ngoái từng ca ngợi sự hợp tác của Syrie giúp làm giảm bạo lực tại Iraq. Theo một quan chức tình báo Mỹ, 90% số tay súng nước ngoài vào Iraq là thông qua Syrie, nhưng tới tháng 7 vừa qua chỉ còn khoảng 20 tay súng vào Iraq mỗi tháng, giảm 50% so với đầu năm 2008.
Năm ngoái, việc Syrie được mời tham gia Hội nghị hòa bình Trung Đông ở Anapolis (bang Maryland, Mỹ) cho thấy Washington tỏ ra mềm dẻo hơn trong đường lối ngoại giao với Damas. Sự kiện này đánh dấu việc cải thiện đáng kể quan hệ giữa hai nước sau thời gian băng giá từ khi Mỹ cáo buộc Syrie đứng sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Liban Rafik Hariri năm 2005, cũng như ủng hộ các tổ chức cực đoan Hezbollah ở Liban và Hamas ở Palestine- những kẻ thù của Israel.
Tuy nhiên, Damas tỏ ra không tin lắm vào Washington. Mặc dù tuyên bố chỉ có Mỹ mới có thể chủ trì các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông, nhưng Tổng thống Assad thường xuyên chỉ trích Tổng thống George Bush là thiếu thiện chí, và chờ đợi chính quyền mới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 4-11 tới Syrie mới có thể đàm phán trực tiếp với Israel.
Trong lúc hai bên còn chưa hết hoài nghi về nhau, vụ Mỹ đưa quân vào lãnh thổ Syrie và xả súng vào dân thường càng khiến cho hy vọng tạo ra bước ngoặt trong quan hệ song phương trở nên xa vời.
N.MINH (Theo Guardian, AP, AFP)