02/02/2021 - 08:47

Vaccine COVID-19 của “công xưởng dược thế giới” 

Trong bối cảnh nhiều nước chạy đua tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân, Ấn Độ đang lên kế hoạch mở rộng sản xuất nhằm cung cấp hơn 160 triệu liều vaccine Covishield cho hơn 60 quốc gia và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) vào cuối tháng 3, trong đó gồm khoảng 10 triệu liều “quà tặng” dành cho các nước láng giềng.

Vaccine Covishield của Ấn Độ. Ảnh: Hindustan Times

Vaccine Covishield của Ấn Độ. Ảnh: Hindustan Times

Theo Thời báo Hindustan, Viện Huyết thanh Ấn Ðộ đến nay đã gửi 14,5 triệu liều vaccine COVID-19 cho 11 nước. “Có tới 30 quốc gia đã gửi thư chính thức yêu cầu đặt mua vaccine COVID-19 cùng với khoảng 30 nước gửi yêu cầu mua vaccine không chính thức. Một số quốc gia như Afghanistan đã không làm như vậy nhưng Ấn Ðộ vẫn sẽ cam kết cung cấp cho họ. Chúng tôi đang có kế hoạch gửi 10 triệu liều cho riêng châu Phi” - một quan chức chính phủ giấu tên cho biết. Ðược biết, trong số những nước mà Ấn Ðộ đang cung cấp hoặc có kế hoạch cung cấp vaccine COVID-19 trong những ngày tới gồm có Ai Cập, Algeria, Kuwait, Nicaragua, Cộng hòa Dominica, Barbados, Quần đảo Marshall và Samoa vốn nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng truyền thống của New Delhi.

Tài liệu mà Thời báo Hindustan có được cho thấy, Ấn Ðộ dự định trong tháng này sẽ gửi đi 60 triệu liều vaccine COVID-19 đến các quốc gia hữu nghị trên thế giới, như Saudi Arabia, Papua New Guinea hay Nauru - quốc đảo nhỏ nhất thế giới gần Úc. Còn trong tháng sau, New Delhi hy vọng sẽ gửi đi khoảng 80 triệu liều. Ðược biết, gần một nửa trong số 160 triệu liều sẽ được chuyển đi thông qua UNICEF. Song, các con số này chỉ là dự kiến và có thể sẽ thay đổi sau khi Ấn Ðộ có quyết định cuối cùng.

Ngoài vaccine Covishield do Tập đoàn dược phẩm sinh học AstraZeneca và Ðại học Oxford của Anh phát triển, Ấn Ðộ cũng đang sử dụng Covaxin do Hãng Bharat Biotech chế tạo. Tuy nhiên, Covaxin vẫn chưa trải qua giai đoạn thử nghiệm cuối cùng nên tính hiệu quả đến nay chưa được xác minh.

Hôm 16-1 vừa qua, Ấn Ðộ đã triển khai chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 trong nước và gần như đồng thời bắt đầu gửi vaccine đến các nước láng giềng và nhiều nước khác. Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tiêm chủng. “Bằng cách gửi vaccine đến các quốc gia khác nhau, chúng tôi đang cứu mạng sống của công dân nhiều nước” - Thủ tướng Modi trong bài phát biểu mới đây tại Hội nghị trực tuyến Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2021 khẳng định.

Trong chương trình phát thanh Mann ki Baat do ông Modi chủ trì gần đây, nhà lãnh đạo Ấn Ðộ cũng nói rằng vaccine “Made in India” mà New Delhi đang cung cấp cho thế giới là ví dụ cho thấy Ấn Ðộ “tự lực cánh sinh”. Theo ông Modi, điều đó phản ánh “tính độc đáo” của văn hóa Ấn Ðộ khi mà New Delhi vừa có thể đáp ứng nhu cầu tiêm vaccine trong nước, đồng thời cung cấp vaccine cho thế giới. “Trong thời điểm khủng hoảng, Ấn Ðộ vẫn có khả năng hỗ trợ thế giới bởi nước này đã đạt được thành tựu trên lĩnh vực y dược và phát triển vaccine. Ðây là nền tảng cho chiến dịch “Ấn Ðộ tự lực cánh sinh”. Ấn Ðộ càng trở nên tự lực cánh sinh, thế giới càng có thể được hưởng lợi”, ông Modi tuyên bố. 

Giới phân tích cho rằng danh xưng “công xưởng dược của thế giới”, vốn được củng bố thông qua qua việc cung cấp vaccine, sẽ giúp Ấn Ðộ giành được thiện chí, qua đó giúp New Delhi đứng vững hơn giữa lúc quốc gia đông dân thứ 2 thế giới muốn có vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế.

 Philippines tìm đến Ấn Độ, Việt Nam nhằm đa dạng hóa nguồn cung vaccine

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin cho biết chính quyền Manila sẽ tìm đến các quốc gia châu Á để học hỏi cách thức giúp tiêm chủng ngừa COVID-19 cho hàng triệu người dân, trong bối cảnh các nước phương Tây đang gặp nhiều vấn đề về chương trình vaccine. Trên trang mạng Twitter, Bộ trưởng Teodoro Locsin cho biết sẽ học hỏi những quốc gia như Ấn Độ chứ không phải các nước phương Tây.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, một quốc gia có tiềm năng khác là Việt Nam, được đánh giá cao vì đã quản lý tốt các đợt lây nhiễm đầu tiên và tự phát triển vaccine trong vòng vài tháng sau khi đại dịch xảy ra. Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược NANOGEN của Việt Nam đã sản xuất vaccine Nanocovax ngừa COVID-19 đầu tiên và đã thử nghiệm trên người với đánh giá ban đầu là có hiệu quả.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết